Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Huy Thái

<p>Công văn số 640/BTTTT-VP ngày 27/02/2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái.</p>

Thực hiện công văn số 4656/TTKQH-GS ngày 15/11/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội về việc chuyển chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu gửi đến trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, tại Phiếu chất vấn số 68/PCVK8-GS và 69/PCVK8-GS, nội dung chất vấn như sau:

"1. Hạ tầng thiết bị, máy móc...cho dù hiện đại đến đâu, nếu không có dữ liệu số cũng không thể hoạt động. Dữ liệu số có thể ví như mạch máu nuôi sống cơ thể chuyển đổi số. Dữ liệu số quyết định chuyển đổi số có thành công hay không. Ngoài việc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được xây dựng rất cơ bản, việc hình thành dữ liệu số từ các bộ, ngành, địa phương đang còn nhiều bất cập. Xin Bộ trưởng vui lòng cho biết: Với vai trò trực tiếp tham mưu cho Chính phủ về lĩnh vực này, sắp tới Bộ trưởng dự kiến sẽ đưa ra những giải pháp căn cơ nào cho vấn đề này?

2. Kính thưa Bộ trưởng, theo quan sát và theo phản ánh của dư luận, số đông phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí Trung ương tại địa phương trong tác nghiệp, sản phẩm báo chí chỉ dừng lại ở việc đưa tin về hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; ít khi có những bài báo truyền thông chủ trương, truyền thông chính sách … tạo sự hiểu biết, đồng thuận; phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền và Nhân dân của cơ quan báo chí, gắn với tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Bộ trưởng sẽ có những giải pháp gì để khắc phục thực trạng này".

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:

1. Về giải pháp thúc đẩy việc xây dựng dữ liệu số ở các bộ, ngành, địa phương

Đúng như Đại biểu nhận định, dữ liệu số có vai trò rất quan trọng. Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 đã xác định Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân; đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu.

Hiện nay, các cơ sở dữ liệu quốc gia đã được quan tâm và triển khai mạnh mẽ. Đối với các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương thì đang còn có các mức độ triển khai khác nhau. Để giải quyết căn cơ vấn đề này và thúc đẩy việc xây dựng dữ liệu số ở các bộ, ngành, địa phương một cách đồng bộ, hiệu quả, Bộ TTTT đã và sẽ tập trung triển khai các giải pháp sau đây:

Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý:

- Bộ TTTT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan liên quan để tham mưu, trình Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu số 60/2024/QH15 ngày 30/11/2024 nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc thu thập, xử lý, bảo vệ, chia sẻ và khai thác dữ liệu một cách hợp pháp, an toàn và hiệu quả. Bộ cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến dữ liệu để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và phù hợp với Luật Dữ liệu.

- Bộ TTTT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Giao dịch điện tử, trong đó tại Điều 40 quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung có yêu cầu tổ chức thống nhất, phân cấp quản lý và chia sẻ dữ liệu phục vụ cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp theo pháp luật. Đồng thời, tại Khoản 4 Điều này, quy định rõ các bộ, ngành, địa phương phải hoạch định cơ sở dữ liệu dùng chung với thông tin chi tiết (tên, mục đích, nội dung, cơ chế thu thập, nguồn dữ liệu, loại chia sẻ) để xây dựng kế hoạch phù hợp.

- Bộ TTTT cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giao dịch Điện tử về cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối và chia sẻ dữ liệu, dữ liệu mở phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước (Tờ trình số 02/TTr-BTTTT ngày 09/01/2025). Theo đó, dữ liệu được tạo ra và quản lý bởi cơ quan nhà nước phải được chia sẻ cho các cơ quan khác khi có yêu cầu, trừ các trường hợp thuộc phạm vi bảo mật theo quy định của pháp luật.

Thúc đẩy chia sẻ dữ liệu:

- Bộ TTTT đã đôn đốc các bộ, ngành, địa phương công khai danh mục dữ liệu hiện có, tạo điều kiện cho việc chia sẻ và khai thác dữ liệu. Hiện nay, theo tổng hợp của Bộ TTTT đã có hơn 90% bộ, ngành, địa phương công bố danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của mình. Tổng cộng đã có khoảng 3.000 cơ sở dữ liệu trong các danh mục được công bố.

- Chiến lược Dữ liệu Quốc gia do Bộ TTTT tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành (tại Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024) đã định hướng phát triển dữ liệu thống nhất trên toàn quốc, xác định các ngành, lĩnh vực cần tập trung xây dựng dữ liệu then chốt. Bộ đã hướng dẫn cụ thể các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tại văn bản số 1901/BTTTT-VCL ngày 16/05/2024. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ các địa phương xây dựng chiến lược dữ liệu phù hợp với mục tiêu ưu tiên và chiến lược phát triển riêng. Đồng thời rà soát, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thu thập kinh nghiệm, mô hình triển khai tốt, hiệu quả, từ đó phổ biến cho các bộ, ngành, địa phương khác để tham khảo, áp dụng cho quá trình phát triển dữ liệu.

Phát triển các nền tảng và cơ sở dữ liệu:

- Bộ TTTT sẽ tập trung thúc đẩy các nền tảng số từ Trung ương đến địa phương, các nền tảng lớn triển khai toàn quốc của các bộ, ngành để tập trung dữ liệu; thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương xây dựng các Cơ sở dữ liệu tổng hợp để hút các nguồn dữ liệu về tập trung phục vụ phân tích và chỉ đạo điều hành.

- Bộ TTTT sẽ hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương xây dựng các cơ sở dữ liệu tổng hợp, thu thập và tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, tạo ra bức tranh toàn diện về các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

- Bộ TTTT sẽ xây dựng và vận hành nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia, kết nối các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ và khai thác dữ liệu.

Nâng cao năng lực khai thác dữ liệu:

- Bộ TTTT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các kịch bản khai thác dữ liệu cụ thể cho từng lĩnh vực, giúp các cơ quan nhà nước có thể sử dụng dữ liệu để giải quyết các vấn đề thực tế.

- Bộ TTTT sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các khóa đào tạo về phân tích dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, giúp trang bị khả năng khai thác và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả.

- Bộ TTTT sẽ khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các công nghệ và giải pháp khai thác dữ liệu tiên tiến.

Hy vọng với các biện pháp trên, huyết mạch chia sẻ dữ liệu sẽ được khơi thông, dữ liệu của cơ quan nhà nước trong thời gian tới sẽ được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ.

2. Về giải pháp nâng cao chất lượng truyền thông chính sách của phóng viên thường trú tại địa phương

Ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về tăng cường công tác truyền thông chính sách. Theo đó, công tác truyền thông chính sách trước tiên phải là nhiệm vụ, là chức năng của chính quyền, địa phương.

Bộ TTTT cũng rất quan tâm nội dung này và thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở, định hướng trong giao ban hàng tuần, hàng tháng để các cơ quan báo chí cân đối nội dung thông tin, bảo đảm thực hiện tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tham gia giám sát, phản biện xã hội theo quy định pháp luật, phù hợp tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động.

Bộ TTTT đã ban hành văn bản đề nghị các bộ, ngành, các địa phương xây dựng Chương trình/Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg, xây dựng mạng lưới kết nối truyền thông chính sách, tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, đặc biệt là cung cấp thông tin chính thống cho phóng viên thường trú tại địa phương về các chủ trương, chính sách mới trên địa bàn, dành kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ nhằm thúc đẩy, tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Bộ TTTT cũng đã làm việc trực tiếp để đôn đốc bộ, ngành, địa phương; đề nghị cơ quan chủ quản báo chí tăng bố trí nguồn kinh phí cho công tác truyền thông chính sách; tổ chức 15 lớp tập huấn về phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí; xây dựng mạng lưới kết nối truyền thông chính sách toàn quốc; phát hành sổ tay truyền thông chính sách; truyền thông để nhân rộng kinh nghiệm và các mô hình làm truyền thông chính sách tốt; định hướng để các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, truyền thông chính sách; chỉ đạo tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách...

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông, trân trọng gửi tới đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu.

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đại biểu./.