Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn của ĐBQH Trần Thị Hoa Ry

<p>Công văn số 641/BTTTT-VP ngày 27/02/2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry.</p>

Thực hiện công văn số 4656/TTKQH-GS ngày 15/11/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội về việc chuyển chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu gửi đến trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, tại Phiếu chất vấn số 67/PCVK8-GS, nội dung chất vấn như sau:

"Tôi đánh giá cao về sự nỗ lực của Bộ và vai trò của Bộ trưởng về xây dựng và phát triển công nghệ số đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xin hỏi Bộ trưởng, đánh giá thế nào về vai trò công nghệ số đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số? khi đến thời điểm này vẫn còn 761 thôn chưa được phủ sóng?

Nguyên nhân vì sao? Bộ Thông tin và Truyền thông có tờ trình 63 xin Phó Thủ tướng tạm dừng không thực hiện Tiểu dự án 2 của Dự án 10 về việc "Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự" trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2025".

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:

Về việc phủ sóng tại các khu vực lõm sóng

Công nghệ số đóng vai trò quan trọng và mang đến tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ việc thu hẹp khoảng cách giáo dục, mở ra cơ hội kinh doanh mới, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải thiện đời sống đến bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, công nghệ số đang tạo ra những chuyển biến tích cực.

Chính vì vậy, việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ số nói chung và việc đầu tư phát triển hạ tầng phủ sóng di động băng rộng mặt đất tại các khu vực lõm sóng nói riêng là rất cấp thiết, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và sử dụng các ứng dụng công nghệ số phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, tính đến tháng 02/2025, tổng số thôn bản lõm sóng là 717 thôn[1].

Giai đoạn trước 2024, do thiếu quy định riêng về cơ chế tài chính cho hoạt động viễn thông công ích dẫn tới khó khăn trong việc sử dụng Quỹ VTCI trong việc phủ sóng vùng lõm đối với các thôn đặc biệt khó khăn nằm trong chương trình VTCI.

Bộ TTTT xác định vấn đề phủ sóng vùng lõm là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Việc phát sinh các khu vực lõm sóng là vấn đề không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển đô thị, di dân, phát triển kinh tế, thành lập khu dân cư mới …kể cả ở khu vực thành phố đã được phủ sóng dày đặc. Ngoài ra, do sự thay đổi về công nghệ như việc tắt sóng 2G, triển khai thương mại mạng 5G cũng sẽ phát sinh các khu vực lõm sóng. Mặt khác, vướng mắc do các thôn nằm ở khu vực chưa có điện lưới hoặc có địa hình khó khăn, khó tiếp cận.

Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp sau:

- Tháng 11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông, cho phép xây dựng Nghị định riêng giải quyết vấn đề này. Việc được Quốc hội cho phép xây dựng Nghị định riêng "Hướng dẫn Luật Viễn thông về hoạt động viễn thông công ích" sẽ giải quyết được các vướng mắc chưa phủ sóng được ở vùng công ích từ trước đến nay do chưa có cơ chế tài chính hỗ trợ cho Doanh nghiệp phủ sóng. Hiện nay, Bộ TTTT đang tiếp thu hoàn thiện các ý kiến của Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan đối với dự thảo Nghị định, dự kiến Bộ TTTT trình Chính phủ trong tháng 3/2025 để ban hành. Ngay sau khi Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông về hoạt động viễn thông công ích được ban hành sẽ triển khai thực hiện ngay và phủ sóng đảm bảo mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ viễn thông phổ cập, không để ai bị bỏ lại phía sau nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo chủ quyền biên giới trên đất liền và trên biển của nước ta.

- Sau khi Nghị định ban hành sẽ hoàn thành việc phủ sóng các thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, dự kiến tháng 6/2025.

- Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp viễn thông để liên tục cập nhật, xác định vùng lõm để tổ chức triển khai phủ sóng.

2. Về việc tạm dừng không thực hiện Tiểu dự án 2 của Dự án 10 "Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự" trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2025

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, Ủy ban Dân tộc đã đề xuất thực hiện nội dung "Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự" (tại điểm đ mục 1 phần VI tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Bộ TTTT được Thủ tướng Chính phủ giao hướng dẫn thực hiện nội dung này.

Trong quá trình triển khai công tác hướng dẫn, Bộ TTTT thấy có nhiều khó khăn, bất cập, như:

- Việc thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ người dân khai thác, sử dụng các ứng dụng, dịch vụ khi có nhu cầu, do đó đây sẽ là điểm phục vụ mang tính công cộng. Việc thiết lập điểm vật lý như vậy đòi hỏi phải trang bị máy móc, thiết bị, đào tạo nhân lực phục vụ và duy trì sử dụng thường xuyên sẽ tốn kém, khó khăn cho các xã.

- Việc đặt các điểm này trong khuôn viên UBND cấp xã không thuận tiện cho người sử dụng, do đó việc thiết lập các điểm ứng dụng công nghệ thông tin này tại UBND cấp xã sẽ hạn chế hiệu quả. Mặt khác, việc người dân đến sử dụng dịch vụ tại UBND cấp xã có thể ảnh hưởng đến yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự cho chính quyền cấp xã.

- Điều kiện cơ sở vật chất, không gian cho việc đặt một điểm như vậy tại UBND cấp xã không phải xã nào cũng sẵn sàng về môi trường, không gian thuận lợi cho việc bảo quản, vận hành thiết bị công nghệ thông tin; nhất là đối với UBND các xã thuộc khu vực miền núi phía Bắc, diện tích khuôn viên UBND xã hạn chế.

- Trong xu hướng hiện nay, các cá nhân, hộ gia đình đang phát triển sử dụng thiết bị cầm tay (máy tính bảng, điện thoại thông minh…) nên việc tiếp cận các ứng dụng công nghệ thông tin đã đa dạng hoá, cá nhân hóa ngày càng sâu rộng, đã tạo điều kiện thay đổi cách thức thiết lập, tiếp cận thông tin.

Trên cơ sở đó, Bộ TTTT đã có Văn bản số 1310/BTTTT-KHTC ngày 13/04/2022 đề nghị Ủy ban Dân tộc (Cơ quan chủ chương trình) báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo về những bất cập khi thực hiện nhiệm vụ này và xem xét, chỉ đạo giải pháp thực hiện.

Với những bất cập trong quá trình nghiên cứu hướng dẫn nêu trên, sau khi phối hợp làm việc với Ủy ban dân tộc; Bộ TTTT đã có Tờ trình số 63/TTr-BTTTT ngày 22/06/2022 gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ về việc tạm dừng, không thực hiện Tiểu dự án 2 của Dự án 10 về việc "Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự" trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2025 để đảm bảo hiệu quả đầu tư vốn ngân sách nhà nước, tránh trùng lặp.

Được sự chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, bất cập từ Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025[2], Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BTTTT ngày 30/05/2023 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về thông tin và truyền thông trong Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông, trân trọng gửi tới đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu.

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đại biểu./.


[1] Cụ thể: số thôn công ích có điện là 537 thôn; thôn công ích chưa có điện là 111 thôn; thôn ngoài công ích có điện là 63 thôn, thôn ngoài công ích chưa có điện là 06 thôn; tổng số thôn chưa có điện là 117 thôn.

[2] Thông báo số 129/VPCP-KTTH ngày 14/04/2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp ngày 07/04/2023 về nội dung "Hỗ trợ thiết lập điểm hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin tại ủy ban nhân dân cấp xã" thuộc tiểu dự án 2, dự án 10 chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025