Cận cảnh báo chí, truyền thông Nhật Bản
Cùng với sự phát triển kinh tế, ngành báo chí truyền thông Nhật Bản đã đạt nhiều bước tiến. Những năm gần đây, dù kinh tế bị đe dọa trong cơn lốc suy thoái nhưng ngành báo chí, truyền thông Nhật Bản vẫn thu hút được độc giả nhờ những chính sách tiếp thị linh hoạt và nội dung đổi mới. Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 2 vừa qua, phóng viên Báo SGGP đã có cơ hội tìm hiểu 3 tập đoàn báo chí truyền thông tại nước này.

Dây chuyền sản xuất báo trong Trung tâm chế bản báo Kobe. Ảnh: THANH HẰNG - Nguồn http://www.sggp.org.vn
NHK - Không sống nhờ quảng cáo
Trụ sở chính của NHK (viết tắt của Nippon Hoso Kyokai - Tập đoàn Truyền thông Nhật Bản) đặt tại một trong những khu phố sầm uất nhất ở Tokyo là Shibuya. Đây là hãng phát thanh - truyền hình nhà nước duy nhất tại Nhật Bản. Ở Nhật, các hãng phát thanh, truyền hình, báo chí đều thuộc tư nhân. NHK chính thức hoạt động trên làn sóng phát thanh từ năm 1925, mở rộng sang lĩnh vực truyền hình vào năm 1953 và trên internet trong những năm gần đây. NHK không phát quảng cáo trên các chương trình và kinh phí hoạt động dựa vào tiền phí xem truyền hình của 50 triệu hộ dân trên khắp nước Nhật.
Thống kê mới nhất cho thấy, số lượng người trả phí xem NHK chiếm đa số dân số Nhật Bản. Khi trả lời câu hỏi về việc tại sao không dựa vào quảng cáo như các hãng truyền hình khác, ông Hashimoto, Trưởng chi nhánh văn phòng NHK tại Hà Nội, cho biết đây là tiêu chí hoạt động của hãng, nhờ đó, NHK mới cung cấp các chương trình một cách khách quan, không chịu ảnh hưởng của chính phủ và các tổ chức tư nhân. Mật độ phủ sóng của NHK đã vượt khỏi quốc gia và đến nhiều khu vực như châu Á, châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latin.
NHK hiện có 5 kênh truyền hình và 3 kênh phát thanh trong nước, hàng ngày cung cấp các chương trình thời sự, giáo dục và giải trí gia đình... Ngoài ra còn có 3 kênh truyền hình vệ tinh sản xuất nhiều chương trình phong phú khác. Từ năm 2006, NHK đã triển khai mô hình xem tivi trên điện thoại di động. Hình thức xem tivi này chưa được tính phí. Ban lãnh đạo NHK cho rằng với những người chưa có ý muốn mua sóng của NHK trên truyền hình thì việc để họ xem trên điện thoại di động miễn phí cũng là một phương pháp tiếp thị.
Cuối buổi tham quan, chúng tôi thật bất ngờ khi được đến tham quan văn phòng của đài phát thanh NHK tiếng Việt, một trong 18 ngôn ngữ nước ngoài được phát trên NHK World. Anh Kuriki Sei-ichi, Giám đốc sản xuất chương trình của Đài Phát thanh NHK World Radio, cho biết các chương trình tiếng Việt được phát lần đầu tiên vào tháng 4 năm 1961. Hiện nay, chương trình được phát 3 buổi trong ngày, trên làn sóng ngắn và trên internet, cung cấp nhiều tin tức trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình đang gặp khó khăn bởi nhiều độc giả Việt Nam chưa bắt được sóng phát thanh của đài. Đài Phát thanh NHK tiếng Việt đã mở một trang web nhằm thu hút lượng độc giả nhiều hơn.
Báo Asahi - Tờ báo “Mặt trời mọc”
Tiếp đoàn nhà báo trẻ Việt Nam chúng tôi là ông Nishimura Takatsugu, Phó phụ trách Văn phòng Trách nhiệm xã hội tại báo Asahi (Asahi trong tiếng Nhật mang ý nghĩa “Mặt trời mọc”). Ông Nishimura tận tình hướng dẫn đoàn tham quan các văn phòng làm việc tại tòa soạn. Mô hình làm việc của tòa soạn báo Asahi cũng tương tự như các tòa báo tại Việt Nam. Ban biên tập sẽ nhóm họp vào các buổi sáng để thảo luận các đề tài sau đó triển khai việc thực hiện xuống các trưởng ban và lực lượng phóng viên. Ở Asahi, xuất bản cả báo sáng, báo chiều và hoạt động của cả hai bản báo này đều cùng trực thuộc một ban biên tập. Thời điểm chúng tôi đến thăm, đang chuẩn bị cho xuất bản tờ báo buổi chiều, phát hành lúc 13 giờ.
Số báo Asahi đầu tiên được phát hành vào năm 1879 tại Osaka. Từ khi phát hành tại Tokyo, Asahi đã trở thành một trong số những tờ báo có số lượng phát hành cao nhất toàn quốc. Ngoài việc cung cấp thông tin trong và ngoài nước qua các chuyên mục thời sự - xã hội, văn hóa văn nghệ, tài chính - kinh tế, báo Asahi còn thu hút bạn đọc với những chuyên mục bình luận nổi tiếng như “Thiên Thanh Nhân Ngữ (bắt đầu năm 1904), “Bút chì xanh” (năm 1916). Tổng số lượng phát hành hàng ngày của toàn bộ 5 tòa soạn chính trên cả nước, đặt tại Tokyo, Osaka, Seibu, Nagoya và Hokkaido là 3,1 triệu bản. Asahi hiện đang đặt văn phòng tại hơn 30 quốc gia để chủ động lấy các tin tức quốc tế. Không chỉ đảm nhận việc xuất bản báo in, Asahi còn mở thương hiệu riêng trong lĩnh vực xuất bản sách, truyện tranh. Để thu hút được lượng độc giả nhiều hơn, Asahi còn cung cấp thông tin cho bạn đọc qua kết nối với điện thoại di động với mức phí 300 yen (khoảng 77.000 VND/tháng). Asahi cũng đã trang bị 4 trực thăng và 2 máy bay phản lực để hỗ trợ đưa tin lúc khẩn cấp.
Báo Kobe - Sẵn sàng trước mọi tình huống
Trụ sở báo Kobe, tờ báo có tuổi đời 113 năm, đặt tại trung tâm thành phố cùng tên, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận động đất Hanshi-Awaji năm 1995, cướp đi sinh mạng của 6.400 người. Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến không phải Tòa soạn báo Kobe mà là trung tâm chế bản của tòa báo để tìm hiểu về quy trình sản xuất báo. Khi chúng tôi đến, trung tâm đang thực hiện các công đoạn sản xuất báo chiều. Báo sản xuất trên quy trình hiện đại, từ kỹ thuật in laser dùng 4 màu mực: vàng, xanh, đen, đỏ, có thể in tối đa 300.000 bản/giờ đến khâu xếp báo tự động. Ở quy trình phát hành, trung tâm dùng máy điều khiển và giám sát hoạt động các xe tải đến chuyên chở báo vào ca chiều, sáng. Trung tâm đang thực hiện việc tiết kiệm giấy sản xuất báo bằng cách chỉ sử dụng 30% giấy mới và dùng lại 70% giấy tái sinh. Số lượng phát hành của báo sáng khoảng 560.000 bản và báo chiều 220.000 bản.
Ông Habayashi, Giám đốc bộ phận biên tập, cho biết tòa soạn báo sáng và báo chiều là 2 ê kíp khác nhau. Công đoạn biên tập trên báo đã được vi tính hóa 20 năm về trước. Là một tờ báo chủ lực tại địa phương từng xảy ra động đất nên ban lãnh đạo báo Kobe luôn đặt tờ báo trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp. Năm 1995, toàn bộ tòa báo đã bị sụp vì động đất nhưng việc đảm bảo thông tin cung cấp đến bạn đọc chỉ bị trễ vài giờ so với ngày thường. Kể từ đó, báo Kobe đã lên các kế hoạch dự phòng cho mọi tình huống. Điểm chú trọng nhất của báo Kobe là thông tin nhanh, chính xác những hoạt động thiên tai diễn ra tại địa phương. Trong trường hợp khẩn cấp, báo cho in những tờ tin nhanh phát miễn phí cho bạn đọc tại các nhà ga, trạm thu phí, siêu thị và người đi phát báo thời điểm đó chính là những phóng viên của bản báo. Bên cạnh việc truyền tải thông tin đến bạn đọc, báo Kobe còn thành lập khu mua sắm thương mại, trung tâm văn hóa thường xuyên tổ chức những buổi biểu diễn nghệ thuật.
Khó khăn và thách thức
Tuy đã đạt được nhiều bước tiến nhưng ngành báo chí, truyền thông Nhật Bản đang bước vào thời kỳ quá độ và cũng gặp khó khăn. Hiện tượng này không chỉ xảy ra tại Nhật mà đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Đây là nhận định của Giáo sư Yamada Hiroshi, nhà báo kỳ cựu của báo Yomiuri và hiện đang là giảng viên của Đại học Kaetsu và Đại học Thông tin Tokyo. Trong cuộc trò chuyện với đoàn nhà báo Việt Nam, ông cho rằng báo chí Nhật đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ hệ thống báo mạng và các trang mạng xã hội. Xu hướng chung của giới chính trị gia Nhật hiện nay thích chia sẻ thông tin trên blog cá nhân, các trang mạng xã hội nhiều hơn là trả lời phỏng vấn báo chí. Ngoài giới chính trị gia, các ngôi sao Nhật Bản cũng chuyển sang xu hướng dùng mạng xã hội. Giới báo chí Nhật phải cập nhật những trang web này để lấy thông tin và tư liệu cho các bài phỏng vấn.
Theo Hiệp hội Báo chí Nhật Bản, năm 2010 là năm có số báo bình quân bị sụt giảm, mỗi hộ chỉ đọc 1 tờ báo/ngày, so với năm 1980 hơn 1 tờ báo/ngày (1,29). Doanh thu quảng cáo từ báo in cũng sụt giảm từ năm 2009, với 5,9 ngàn tỷ yen so với năm 2008 là 6,6 ngàn tỷ yen. Dĩ nhiên, doanh thu quảng cáo từ internet lại gia tăng nhanh. Người Nhật đang ngày càng ưa chuộng đọc thông tin trên internet nhiều hơn. Đứng trước những thách thức này, các tờ báo của Nhật đang đề ra nhiều biện pháp để cơ cấu lại mô hình tòa soạn, trong đó có cả biện pháp cắt giảm phát hành báo chiều (mô hình xuất bản báo phổ biến tại Nhật). 3 tờ báo lớn của Nhật là Nikei, Yomiuri và Sankei đang bắt tay để cùng hỗ trợ thông tin trên internet, cạnh tranh với hệ thống báo điện tử.