Cần thiết lập giới hạn rủi ro minh bạch trong nghiên cứu khoa học

image

<p>Chiều ngày 13/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.</p>

Các đại biểu cho rằng cần xác định rõ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những động lực tăng trưởng mới, có vai trò then chốt trong phát triển bền vững doanh nghiệp và nền kinh tế quốc dân. Từ đó, cần nghiên cứu, xây dựng các chính sách phù hợp nhằm khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội cho phát triển khoa học và công nghệ.

Các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận cao đối với nhiều quy định và chính sách đột phá trong dự án luật, đặc biệt là những nội dung nhằm khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để luật sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục hoàn thiện, làm rõ thêm một số quy định cụ thể để tăng tính khả thi.

Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất bổ sung quy định làm rõ ranh giới giữa "rủi ro được chấp nhận" và "vi phạm pháp luật" nhằm tránh lạm dụng cơ chế cho phép thử nghiệm, sáng tạo trong khoa học và công nghệ.

Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị thành lập hội đồng đánh giá và dự báo rủi ro, làm cơ sở để xem xét trách nhiệm, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KH&CN.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại cơ quan, tổ chức mình phụ trách, nhằm nâng cao tính chủ động, gắn kết giữa cơ chế chính sách với hành động thực tiễn.

Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là bước cụ thể hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, khẳng định vai trò trung tâm của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.