Đưa VKIST trở thành Viện nghiên cứu công nghệ hàng đầu quốc gia

image

<p style="text-align: justify;">Đổi mới tầm nhìn, định vị lại giá trị cốt lõi, khơi dậy khát vọng trở thành viện nghiên cứu dẫn dắt công nghệ chiến lược quốc gia - đó là định hướng được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra cho Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc đến năm 2030.</p>

Không chỉ là mục tiêu chiến lược, Viện cần ưu tiên tiếp cận những công nghệ có tính tiên phong như trí tuệ nhân tạo, robot, công nghệ tự động, blockchain và tài sản số - những lĩnh vực đang tạo bước ngoặt toàn cầu về đổi mới sáng tạo.

Sau 7 năm thành lập, Viện đã có những bước tiến trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Các công nghệ do Viện phát triển như dược - mỹ phẩm, hệ thống xử lý nước mặn, thiết bị sinh học…đã được chuyển giao thành công cho doanh nghiệp, tạo doanh thu hàng chục tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng cũng đặt ra yêu cầu phải bứt phá mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu của Viện đã đạt nhiều thành tựu nổi bật với hàng chục bài báo trong nước và quốc tế; 10 sáng chế, giải pháp hữu ích, bản quyền phần mềm và quy trình công nghệ. Đặc biệt, 16 công nghệ do Viện phát triển đã sẵn sàng chuyển giao thương mại, trong đó có 5 công nghệ/sản phẩm được doanh nghiệp ứng dụng vào thực tiễn sản xuất – kinh doanh.

Trong thời gian tới Viện sẽ phát triển các lĩnh vực công nghệ trọng tâm gồm vi mạch bán dẫn, công nghệ y sinh, công nghệ thực phẩm, vật liệu tiên tiến và công nghệ sau thu hoạch; tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng ứng dụng cao và mang tính chiến lược, như công nghệ pin thứ cấp và robot cánh tay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, rào cản lớn nhất hiện nay không chỉ là nghiên cứu mà là đưa công nghệ ra thị trường. Viện cần mạnh dạn dành 20% nguồn lực làm thương mại hóa, và đặt mục tiêu: Mỗi hecta diện tích nghiên cứu phải tạo ra 10 triệu USD doanh thu.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng gợi mở cơ chế: xây dựng danh sách các sản phẩm chiến lược kèm giá thành cụ thể, có cam kết mua từ Nhà nước. Trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm, Nhà nước đầu tư 70%, doanh nghiệp đóng góp 30%. Khi sản phẩm ra thị trường, tỷ lệ này sẽ đảo ngược.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Viện phải trở thành nơi phát triển công nghệ lõi, tập trung vào các sản phẩm chiến lược, và là "vườn ươm" chính sách công nghệ của quốc gia. Mọi nghiên cứu đều được bắt đầu từ bài toán thực tiễn của doanh nghiệp để đổi mới sáng tạo thực sự đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng nhấn mạnh giai đoạn 2040–2045, Viện phấn đấu trở thành viện nghiên cứu ứng dụng có đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc thay thế các công nghệ nhập khẩu, phát triển các công nghệ nguồn /công nghệ chiến lược và sản phẩm quốc gia, Theo Bộ trưởng: Con người chính là yếu tố quyết định thành công. Việc giữ ngọn lửa đam mê trong trái tim các nhà khoa học trẻ, nhất là trong môi trường công, là thách thức lớn nhất. Tuy nhiên, khoa học và công nghệ hơn bao giờ hết cần trở thành lĩnh vực có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, đồng thời giữ vai trò động lực quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.