Theo báo cáo, Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ trì xây dựng trình ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022, trong đó chính sách nổi bật là giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN cho tổ chức chủ trì.
Từ 2020 đến 2024, Cục SHTT tiếp nhận hơn 707.000 đơn, xử lý trên 617.800 đơn và cấp 212.370 văn bằng. Cục đã hỗ trợ 32 dự án về bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, sản phẩm quốc gia; hỗ trợ địa phương thực hiện 155 dự án sản phẩm đặc thù và OCOP.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh, Cục SHTT chưa chú trọng xây dựng chính sách, khai thác đúng mức tiềm năng tài sản trí tuệ. Sau Nghị quyết 57 được ban hành, cần đẩy mạnh chính sách, thực thi hiệu quả và minh bạch hóa số liệu đóng góp của tài sản trí tuệ vào nền kinh tế.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Lê Xuân Định, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh, Cục cần tập trung hơn vào xây dựng chính sách, từng bước dẫn dắt hệ sinh thái SHTT, xử lý đơn tồn đọng, sửa đổi Luật SHTT, xây dựng Chiến lược phát triển phù hợp.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ở các quốc gia phát triển, 80% tài sản là tài sản trí tuệ – vô hình nhưng quyết định tương lai. Cục SHTT cần tận dụng cơ sở dữ liệu toàn cầu để định hướng công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần đưa Việt Nam tăng trưởng đột phá.
Về CĐS toàn diện các hoạt động của Cục, Bộ trưởng Bộ trưởng yêu cầu Cục SHTT đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, nâng cao năng suất và giảm tải công việc. Theo đó, muốn biết vị thế, phải so sánh với quốc tế và đặt câu hỏi từ dữ liệu. Làm sạch dữ liệu là yếu tố then chốt để xây dựng hệ thống thông minh, hiệu quả.