Thủ tướng chỉ đạo về công tác bảo hộ công dân Việt Nam sau động đất và sóng thần tại Nhật Bản

Thứ tư, 16/03/2011 19:15

Chiều ngày 16/3/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông: - Tạo mọi thuận lợi cho việc truy cập các mạng Internet trong giai đoạn hiện nay để nhân dân kịp thời nắm được tình hình liên quan đến động đất, sóng thần ở Nhật Bản.  - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng cho báo chí đưa tin liên quan đến hậu quả động đất, sóng thần tại Nhật Bản và công tác bảo hộ công dân Việt Nam.

img

Toàn văn chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số: 54/TB - VPCP ngày 16/3/2011 như sau:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo về công tác bảo hộ công dân Việt Nam sau động đất và sóng thần tại Nhật Bản - Ảnh: Chinhphu.vnNgày 16 tháng 3 năm 2011, tại trụ sở Chính phủ, sau khi nghe lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản trực tiếp báo cáo về tình hình sau thảm họa động đất, sóng thần ngày 11 tháng 3 năm 2011 tại Nhật Bản và công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Nhật Bản sau thảm họa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Tình hình tại Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11 tháng 3 năm 2011 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Trước mắt, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với các đơn vị liên quan của ta và các cơ quan hữu trách của Nhật Bản khẩn trương tập trung sơ tán công dân Việt Nam ra khỏi vùng bị ảnh hưởng nặng nề của động đất, sóng thần và vùng có nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta trở về nước nếu có yêu cầu.

2. Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản theo dõi chặt chẽ tình hình và quyết định áp dụng các biện pháp ứng phó khẩn thiết trong phạm vi thẩm quyền.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng cho báo chí đưa tin liên quan đến hậu quả động đất, sóng thần tại Nhật Bản và công tác bảo hộ công dân Việt Nam. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ kịp thời cung cấp thông tin chính xác, khách quan cho báo chí về tình hình sự cố và an toàn hạt nhân tại Nhật Bản.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông tạo mọi thuận lợi cho việc truy cập các mạng Internet trong giai đoạn hiện nay để nhân dân kịp thời nắm được tình hình liên quan đến động đất, sóng thần ở Nhật Bản.

5. Bộ Y tế chuẩn bị sẵn sàng việc cử đội bác sỹ, y tá tham gia cứu hộ tại Nhật Bản; chuẩn bị phương án kiểm tra nhiễm xạ đối với công dân Việt Nam trở về từ Nhật Bản; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị đối phó nếu bụi phóng xạ từ Nhật Bản ảnh hưởng đến Việt Nam.

5. Bộ Tài chính phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chuyển sớm cho phía Nhật Bản khoản tiền hỗ trợ 200.000 USD và những quyên góp ủng hộ của nhân dân ta với nhân dân Nhật Bản theo lời kêu gọi của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
 

Diễn biến thảm họa động đất sóng thần tại Nhật:

- Chiều 11/3: Động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra ngoài khơi tỉnh Miyagi, đông bắc Nhật Bản. Chấn động diễn ra trên diện rộng, lan tới cả thủ đô Tokyo ở phía nam. Động đất phá sập nhiều nhà cửa và cơ sở hạ tầng, gây hư hại một số nhà máy điện hạt nhân.

- Chiều 11/3: Sóng thần ập vào các tỉnh miền đông bắc Nhật Bản. Các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Iwate, Miyagy, Fukushima. Sóng cuốn trôi nhiều thành phố và làng mạc ra biển. Tại một thành phố, có tới 9.500 người mất tích.

- Chiều 12/3: Vụ nổ thứ nhất xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.

- Sáng 14/3: Vụ nổ thứ hai xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Gần 200 nghìn người dân được lệnh sơ tán để tránh nguy cơ phóng xạ.

- Sáng 15/3: Vụ nổ thứ ba, cũng tại nhà máy này.

- Sáng 15/3: Phát hiện hơn 2.000 thi thể dạt vào bờ biển tỉnh Miyagi. Số người thiệt mạng được thống kê chính thức là hơn 1.800. Tuy nhiên báo chí Nhật ước tính con số này trên 10.000.

- Sáng 15/3: Cháy xảy ra tại lò phản ứng số 4 của nhà máy Fukushima I.

Số người chết và mất tích trong động đất và sóng thần tại Nhật Bản đã vượt qua con số 10.000 người. Tính đến 8 giờ tối qua, 3.373 người được xác định đã thiệt mạng tại 12 tỉnh ở đông bắc đất nước, trong khi 6.746 người khác hiện vẫn mất tích. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ trận động đất Great Kanto năm 1923, số người chết và mất tích vì một thảm họa thiên nhiên phá mốc 10.000 người.

(nguồn Chinhphu.vn)

 
BBT
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top