Mô hình xã nông thôn mới thông minh
Nam Định là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai mô hình nông thôn mới thông minh, được thực hiện từ năm 2021, với sự hỗ trợ từ Trung ương. Xã Giao Phong, huyện Giao Thủy được lựa chọn là một trong những mô hình thí điểm của tỉnh. Với tổng kinh phí dự kiến là 11 tỷ đồng, trong đó 5,5 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, xã Giao Phong đang tích cực triển khai các hạng mục cơ sở hạ tầng và dịch vụ số.

Trưởng xóm Lâm Phú (xã Giao Phong) giới thiệu về hệ thống camera an ninh trên địa bàn xóm.
Chủ tịch UBND xã Giao Phong, ông Phạm Văn Sơn, chia sẻ rằng việc lựa chọn xã này làm mô hình thí điểm không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn tạo ra sự thay đổi lớn trong nhận thức và hành động của người dân. Đến năm 2025, xã Giao Phong phấn đấu trở thành một xã hoàn chỉnh với ba trụ cột chính trong mô hình nông thôn mới thông minh: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Mô hình này không chỉ chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính mà còn hướng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng số, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích số thiết thực như y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe từ xa.
Các huyện khác của tỉnh Nam Định cũng đang nỗ lực xây dựng mô hình nông thôn mới thông minh. Hiện nay, tỉnh đang triển khai rà soát các xã có tiềm năng xây dựng thành công mô hình này, đồng thời khuyến khích các xã đăng ký tham gia thông qua hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh. Mỗi xã được cấp 250 triệu đồng để triển khai các hoạt động chuyển đổi số, đồng thời phát động các phong trào thi đua trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, các cơ sở hạ tầng số đang được đẩy mạnh phát triển. Hệ thống wifi miễn phí với tốc độ đường truyền từ 100 Mbps trở lên đã được lắp đặt tại các điểm công cộng quan trọng như bộ phận "một cửa" của các UBND xã, trạm y tế và nhà văn hóa thôn.
Chăm sóc sức khỏe và giáo dục qua công nghệ số
Xã Yên Lương (huyện Ý Yên) đã triển khai việc gắn mã QR vào tất cả các hộ gia đình. Mã QR này giúp cập nhật thông tin trên bản đồ số và xác định vị trí tọa độ của từng hộ dân, tạo thuận lợi trong việc triển khai các dịch vụ công như hỗ trợ y tế từ xa và dịch vụ công trực tuyến.
Công nghệ số cũng được ứng dụng hiệu quả trong giáo dục. Các trường học tại xã Yên Lương đã sử dụng công nghệ để tăng cường tương tác giữa nhà trường và phụ huynh qua các nền tảng trực tuyến, đồng thời cung cấp các lớp học trực tuyến cho học sinh. Các bảng điện tử tuyên truyền về các hoạt động chính trị, xã hội của địa phương cũng đã được lắp đặt, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin.
Mô hình thôn thông minh
Yên Lương không chỉ là xã điển hình trong ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực hành chính và giáo dục mà còn là nơi đầu tiên ở tỉnh Nam Định triển khai mô hình thôn thông minh. Hai thôn Tử Vinh và Thụy Nội là những điểm sáng trong việc ứng dụng công nghệ.
Trưởng thôn Thụy Nội, ông Phạm Văn Hướng, cho biết người dân trong thôn giờ đây có thể cập nhật thông tin về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước qua hệ thống truyền thanh thông minh. Các ứng dụng trực tuyến cài đặt trên điện thoại thông minh đã giúp người dân Thụy Nội tư vấn sức khỏe trực tuyến.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức Nam ĐỊnh phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số. Một trong những thách thức lớn là nguồn kinh phí đầu tư cho hạ tầng số. Chi phí để xây dựng và duy trì nền tảng số trong các xã, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, rất cao. Việc duy trì và vận hành các hệ thống này cũng gặp phải nhiều hạn chế, nhất là trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ của người dân.
Để khắc phục những khó khăn này, tỉnh Nam Định đã chủ động triển khai các Tổ công nghệ số cộng đồng. Đây là một sáng kiến nhằm phát huy sức mạnh của cộng đồng, đưa chuyển đổi số đến từng hộ gia đình và từng người dân. Với sự tham gia của hơn 11.000 thành viên, các Tổ công nghệ số cộng đồng đang tích cực tuyên truyền về chuyển đổi số, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và kỹ năng số./.