
Đầu thu Telemedia (MODEL HT21) thu sóng bình thường đối với mạng đơn tần SFN của SDTV, AVG và các mạng đa tần của VTV, VTC, RTB (Telemedia)
Đại diện AVG cho hay, ở một số đại lý kinh doanh đầu thu kỹ thuật số tại Cần Thơ và Hồ Chí Minh, vẫn có loại đầu thu chính hãng thu sóng ở kênh tần số 33 của SDTV rất tốt và ổn định kể từ khi SDTV chuyển sang phát mạng đơn tần như đầu thu Telemedia (MODEL HT21) và các dòng tivi kỹ thuật số tích hợp công nghệ DVB-T2.
Trước những ý kiến thắc mắc về việc: Nếu nguyên nhân là do SDTV chuyển sang phát sóng mạng đơn tần, ảnh hưởng đến khả năng thu tín hiệu của hầu hết các đầu thu DVB-T2 trên thị trường thì tại sao các loại đầu thu này vẫn thu bình thường với mạng đơn tần SFN của AVG?
Ông Nguyễn Như Nhất, chuyên gia về truyền dẫn phát sóng của AVG giải thích: "“Trường hợp các đầu thu vẫn thu sóng SFN của AVG bình thường trong khi có một số loại khó thu sóng SFN của SDTV là vì: Thứ nhất, AVG đã thiết lập mạng đơn tần từ giữa năm 2012 đến nay, AVG không thay đổi bộ thông số phát sóng, các đầu thu miễn phí muốn bán được tại thị trường Việt Nam đương nhiên phải thu được sóng của AVG. Thứ hai, tiêu chuẩn DVB-T2 SFN có nhiều thông số có thể thay đổi lựa chọn nên khi SDTV phát sóng thử nghiệm SFN đã thay đổi một số thông số để lựa chọn bộ thông số phù hợp với nhu cầu của SDTV, như vậy có khả năng có những đầu thu, đặc biệt là các đầu thu miễn phí có chất lượng thấp (thường có giá bán thấp), khó thu hoặc không thu được sóng SFN của SDTV vì rất có thể trong quá trình test xuất xưởng nhà sản xuất đã không test đầy đủ bộ thông số của chuẩn DVB-T2”.
“Ngoài ra hiện tại tôi được biết bộ thông số phát sóng của SDTV cũng khác với bộ thông số phát sóng của AVG”, ông Nhất nói.
Kết quả đo kiểm kênh tần số 33 của SDTV tại Cần Thơ cho thấy các thông số phát mạng đơn tần SDTV thiết lập đúng theo tiêu chuẩn (SFN kenh 33)
Hiện nay, một số hãng sản xuất đầu thu trên thị trường đã có phần mềm giải quyết vấn đề thu sóng kênh 33 của SDTV. Tuy nhiên, việc này cũng không đảm bảo sẽ khắc phục được triệt để vấn đề thu tín hiệu trong mạng đơn tần bởi các đơn vị truyền dẫn phát sóng có thể thay đổi cấu hình mạng SFN bất cứ khi nào khi có nhu cầu cần thay đổi để mở rộng diện tích phủ sóng nâng cao chất lượng dịch vụ.
Vậy giải pháp cần thiết đối với các nhà cung cấp đầu thu mặt đất DVB-T2 để có thể tương thích hoàn toàn với mạng đơn tần là gì? Theo đại diện của AVG, câu trả lời là họ phải lường trước được hết các vấn đề liên quan đến mạng đơn tần. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp phải đầu tư thêm trang thiết bị mô phỏng các chế độ phát sóng mạng đơn tần và các thiết bị đo tín hiệu DVB-T2 chuyên dụng để đánh giá được chính xác đầu thu có tương thích hoàn toàn với mạng đơn tần SFN hay không trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Một số thông số kỹ thuật mà các đơn vị cung cấp đầu thu kỹ thuật số mặt đất DVB-T2 cần lưu ý khi tích hợp hoặc sản xuất Set top box tương thích mạng đơn tần SFN, cụ thể như: Độ nhạy thu, Khoảng bảo vệ, Fading, Demodulator tương thích với SFN (hầu hết module này đã được tích hợp trong chipset).