Điểm thông tin báo chí trong nước tháng 3/2025

Thứ năm, 20/03/2025 00:00

Tháng 3/2025 (01/3/2025 - 19/3/2025) có một số tin tức đáng chú ý: Chuyển đổi số thúc đẩy cải cách hành chính, thúc đẩy trí tuệ nhân tạo và bán dẫn của Việt Nam, Đào tạo nhân lực và phát triển khoa học công nghệ, đề xuất tiêu chí hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số quốc gia...

Điểm thông tin báo chí trong nước tháng 3/2025 - Ảnh 1.

Tốc độ Internet di động tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể khi mạng 5G được đưa vào thương mại hóa. Ảnh: TĐ (vietnamnet.vn)

I. Khoa học và Công nghệ

- Chiều 06/3, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 02/2025. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ KH&CN đã cơ bản hoàn tất việc tổ chức, hợp nhất các đơn vị. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị và cán bộ tăng cường sử dụng trợ lý ảo để nâng cao hiệu quả công việc. Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước cần dựa trên dữ liệu, đo lường được để đảm bảo hiệu quả. Theo Bộ trưởng, lãnh đạo các đơn vị cần có nhận thức mới, năng lượng mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp sức tạo đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... (mst.gov.vn, vnexpress.net. vietnamnet.vn, ictvietnam.vn)

- Ngày 10/3, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, KH&CN nghệ Indonesia Brian Yuliarto đã ký và trao Ý định thư về hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực KH&CN, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto.

Việc ký kết Ý định thư đặt nền móng, mở ra chương mới cho việc triển khai các chương trình, dự án hợp tác về khoa học công nghệ giữa hai nước trong thời gian tới. Hai Bộ trưởng đã trao đổi về các định hướng lớn, chính sách của mỗi nước về khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình, dự án nghiên cứu phát triển, tăng cường ứng dụng công nghệ trong các ngành kinh tế. (mst.gov.vn, vnexpress.net. vietnamnet.vn, vietnamplus.vn, viettimes.vn...)

- Chiều 12/3, Thứ trưởng Lê Xuân Định có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Điện lực Nhà nước Pháp (EDF). Tại buổi làm việc, Tập đoàn EDF đã giới thiệu về công nghệ điện hạt nhân thế hệ mới nhất, tích hợp các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhất, đã được kiểm chứng ở một số quốc gia. EDF đã chia sẻ một số kinh nghiệm vận hành các nhà máy điện hạt nhân tại một số quốc gia trên thế giới, về việc hợp tác cùng đối tác địa phương nghiên cứu khoa học, hỗ trợ ngành công nghệ phụ trợ để có thể tự chủ vận hành, bảo trì nhà máy điện hạt nhân. Đại diện Viện Năng lượng Nguyên tử đề xuất phía Pháp quan tâm hỗ trợ Việt Nam phát triển, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân, góp phần đảm bảo an ninh an toàn năng lượng. (mst.gov.vn, dantri.com.vn)

- Chiều 17/3, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2021-2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 và những năm tiếp theo.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ vai trò của việc phát triển KH&CN theo hướng lưỡng dụng phục vụ kinh tế - xã hội và củng cố tiềm lực quốc phòng của đất nước; dựa vào công nghệ mới để thực hiện sáng tạo, hiệu quả nhiệm vụ quân sự - quốc phòng; gắn KH&CN với đổi mới sáng tạo; vai trò của các cơ quan, đơn vị quân đội trong nghiên cứu chiến lược. Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng trong hoạt động nghiên cứu về khoa học cơ bản; nâng cao hạ tầng và nguồn nhân lực cho các cơ sở nghiên cứu khoa học chiến lược, nhằm giải quyết các vấn đề khoa học lớn của Quân đội và quốc gia; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu quân sự và dân sinh... (mst.gov.vn, vnexpress.net. vietnamnet.vn, qdnd.vn...)

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 464/QĐ-TTg giải thể Ban Chỉ đạo Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa", đồng thời giao Bộ KH&CN chủ trì triển khai Đề án nhằm đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Được phê duyệt từ năm 2017 theo Quyết định số 677/QĐ-TTg, Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa" hướng tới xây dựng một nền tảng tri thức số chung cho người Việt, tổng hợp, số hóa và phổ biến tri thức trong nhiều lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, pháp luật, khoa học kỹ thuật...Đề án cũng đặt mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái tri thức mở, thu hút sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong việc đóng góp và khai thác nguồn tài nguyên tri thức số hóa. Đồng thời, đây cũng là động lực khơi dậy niềm đam mê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp nội dung số Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 28/2/2025. (mst.gov.vn, vnexpress.net. vietnamnet.vn, dientuungdung.vn...)

- Sáng 18/3 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số (CĐS) và Đề án 06, chủ trì và chỉ đạo Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phải xác định phát triển KHCN, ĐMST và CĐS là lựa chọn, giải pháp để phát triển nhanh, bền vững, đây cũng là động lực tăng trưởng. Do đó, các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, người dân phải hành động, biến Nghị quyết thành hiện thực. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các bộ, ngành, địa phương cần nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để khơi thông những điểm nghẽn còn ách tắc trong tổ chức thực hiện. Trong đó, nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tạo động lực cho phát triển; tiếp tục đầu tư hạ tầng cho KHCN; đa dạng hóa hình thức đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình hiện nay. (nhandan.vn, baochinhphu.vn, vov.vn...)

II. Viễn thông

- Theo Cục Viễn thông, hiện đã có 732 số điện thoại di động của các cơ quan Nhà nước được đăng ký định danh, nhằm liên lạc với tổ chức, cá nhân để phục vụ các công việc chuyên môn. Các nhà mạng đã hoàn tất việc khai báo tên định danh cho các số điện thoại này. Khi nhận cuộc gọi từ những số định danh, tên cơ quan Nhà nước sẽ hiển thị trên màn hình thay cho dãy số điện thoại. Như vậy, nếu người dân nhận được cuộc gọi từ các số di động 10 chữ số (thuộc đầu số 03, 05, 07, 08, 09) tự xưng là cơ quan Nhà nước nhưng không hiển thị tên định danh, cần cảnh giác và không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào. Đây là dấu hiệu của các cuộc gọi giả mạo nhằm mục đích lừa đảo. (lsvm.vn, suckhoedoisong.vn, ictvietnam.vn, laodong.vn...)

- Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng khách hàng nhận được nhiều cuộc gọi lạ giả danh, cuộc gọi không nói gì, không có âm thanh… gây phiền hà. Nhiều người dùng phản ánh về tình trạng thường xuyên nhận được cuộc gọi từ số lạ nhưng khi bắt máy thì không ai trả lời. Nguyên nhân có thể do lỗi kỹ thuật hoặc kẻ gian cố tình thực hiện cuộc gọi không lời nhằm khơi gợi sự tò mò, khiến khách hàng gọi lại. Khi đó có thể bị tính phí viễn thông cao bất thường. Tình trạng trên thường được gọi là "cuộc gọi mồi", những cuộc gọi trong tích tắc rồi tắt máy, để người dùng thấy cuộc gọi nhỡ mà gọi lại, kết quả sẽ tốn rất nhiều tiền mà không nghe đối phương nói gì. Hình thức lừa đảo này đang gây hoang mang cho khách hàng của các nhà mạng. (nhandan.vn, tuoitrethudo.vn, laodong.vn, thoibaotaichinhvietnam.vn, ictvietnam.vn, kinhtedothi.vn, plo.vn...)

III. Chuyển đổi số

- Bộ KH&CN: Hướng đến phổ cập 100% chữ ký số cho người trưởng thành. Sáng 18/3 tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long cho biết, Bộ KH&CN đặt mục tiêu đến cuối 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình, 80% hồ sơ xử lý trực tuyến, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đến tháng 6/2025, 100% hồ sơ thủ tục hành chính gắn định danh cá nhân, toàn bộ lãnh đạo, cán bộ phải xử lý công việc trên môi trường mạng, sử dụng chữ ký số. (baochinhphu.vn, vietnamplus.vn, nguoiduatin.vn...)

- Thúc đẩy chữ ký số toàn diện trong y tế: Giảm thủ tục, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngày 14/3, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ KH&CN đã có buổi làm việc với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế nhằm thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong lĩnh vực y tế. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, thảo luận các giải pháp phối hợp triển khai và các chính sách ưu đãi nhằm tăng cường tích hợp chữ ký số vào các phần mềm y tế, đảm bảo tính xác thực, bảo mật và thuận tiện trong quản lý hồ sơ điện tử. Việc tích hợp chữ ký số vào hệ thống quản lý bệnh viện (HIS) và hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong y tế đồng thời giảm thời gian xử lý hồ sơ, minh bạch hóa quy trình thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người dân. (mst.gov.vn)

- Chuyển đổi số thúc đẩy cải cách hành chính. Sau gần 5 năm thực hiện Quyết định số 749/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", hoạt động chuyển đổi số trên cả nước đã diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, mang lại kết quả ngày càng thực chất và hiệu quả. Giám đốc Công ty cổ phần IGB Soft Hoàng Trung nhận xét, dịch vụ công trực tuyến đã có nhiều cải thiện trong những năm gần đây. Chính phủ đã đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận nhiều dịch vụ trực tuyến hơn. Nhiều thủ tục hành chính, như đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép lái xe, đăng ký thường trú... được thực hiện online, giảm thời gian đi lại và chờ đợi. Việc số hóa quy trình đã góp phần giảm tình trạng nhũng nhiễu, tăng tính minh bạch trong giải quyết hồ sơ hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kết nối và sử dụng dịch vụ công mọi lúc mọi nơi. (nhandan.vn, vov.vn)

- Kinh tế số Hà Nam lọt top 10 cả nước. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nam đạt 13,25%%, xếp thứ 9/63 tỉnh, TP. Năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, Hà Nam xác định sẽ phát triển mạnh kinh tế số, đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt từ 10% trở lên. Với chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, tỉnh đã góp mặt trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế số. (vneconomy.vn, vov.vn, kinhtedothi.vn, doanhnghiephoinhap.vn, baophapluat.vn…)

- Hà Nội thử nghiệm 'công chức ảo' AI. Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội vừa đưa vào vận hành thử nghiệm Tổng đài thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) 19001009. Đây là hệ thống tổng đài giúp giải đáp thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và các vấn đề liên quan. Tổng đài AI được kết nối với các hệ thống dịch vụ công, cung cấp thông tin cập nhật theo thời gian thực. Tổng đài AI có khả năng hiểu ngôn ngữ tự nhiên, phân tích và phản hồi chính xác các câu hỏi phổ biến, đồng thời hoạt động liên tục 24/7. (vietnamnet.vn, laodongthudo.vn, hanoimpoi.vn, kinhtedothi.vn...)

- Bình Dương triển khai quyết liệt kiến trúc chính quyền điện tử 3.0. Ngày 18/2, Bình Dương tổ chức "Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện công tác chuyển đổi số, Bộ chỉ số 766 năm 2024; phương hướng nhiệm vụ năm 2025 và Kế hoạch thực hiện khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương 3.0 hướng tới chính quyền số". Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, tránh tình trạng triển khai chậm trễ, hình thức; kiên quyết xóa bỏ tư duy trì trệ, chủ động đổi mới, sáng tạo để chuyển đổi số trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, ông Võ Văn Minh yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai quyết liệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương 3.0 hướng tới Chính quyền số, đảm bảo sự vận hành đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trên toàn tỉnh. (vietnamnet.vn, qdnd.vn, baobinhduong.vn)

- Tuyên truyền sản phẩm công nghệ số xuất sắc trên ứng dụng iHanoi. Ngày 10/3, Sở KH&CN Hà Nội ban hành Văn bản 505/SKHCN-CN&KTS đề nghị các đơn vị phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu chuyên mục "Sản phẩm công nghệ số xuất sắc" trên nền tảng ứng dụng iHanoi. Chuyên mục "Sản phẩm công nghệ số xuất sắc" trên ứng dụng iHanoi cung cấp thông tin các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số xuất sắc đã được các cơ quan, tổ chức lựa chọn và công nhận qua Giải thưởng sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam", Giải thưởng sao khuê, Sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội…Việc giới thiệu sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số của Hà Nội. (hanoimoi.vn, vov.vn, vtv.vn)

IV. Công nghiệp ICT

- Sáng 14/3, dự Diễn đàn chính sách "Việt Nam chủ động phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên mới" trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về trí tuệ nhân tạo và bán dẫn 2025 (AISC 2025), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam xác định phát triển nhanh, bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn...; mong muốn bạn bè quốc tế hỗ trợ Việt Nam xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam xác định phát triển nhanh, bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... (bnews.vn, plo.vn, baochinhphu.vn, vietnamplus.vn, hanoimoi.vn, qdnd.vn, vietnamnet.vn...)

- Thúc đẩy trí tuệ nhân tạo và bán dẫn của Việt Nam. Sáng 12/3, Hội nghị quốc tế về trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn (AISC) 2025 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Aitomatic, Hoa Kỳ tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội. Đây là sự kiện quốc tế kết hợp giữa AI và bán dẫn, mang đến cơ hội tiếp cận những thông tin mới nhất, hỗ trợ kết nối kinh doanh xuyên biên giới và khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, AI toàn cầu. Sự kiện sẽ giúp doanh nghiệp trong nước định hướng chiến lược phát triển, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và thúc đẩy ngành công nghệ cao phát triển bền vững. (baochinhphu.vn, vietnamplus.vn, vov.vn)

V. Nghiên cứu khoa học

- Trong tháng 3 năm 2025, Bộ KH&CN đã công bố một số thông tin liên quan đến các công trình nghiên cứu khoa học. Cụ thể, vào ngày 5/3/2025, Bộ đã thông báo kết quả tuyển chọn các nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, với mã số KC-4.0/21-30, thực hiện từ năm 2025. (Most.gov.vn)

- Rà soát chiến lược, xây dựng chương trình quốc gia về AI trình Thủ tướng: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị của Bộ rà soát chiến lược, xây dựng chương trình quốc gia về AI trình Thủ tướng ký. (baochinhphu.vn; Vietnamplus.vn; VOV.vn; nhandan.vn...)

- Nhà khoa học, kỹ sư công nghệ sắp hưởng loạt đặc quyền mới. Tại Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST, có nhiều chính sách ưu đãi dành cho cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Những cá nhân tham gia nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo sẽ được tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện kết quả nghiên cứu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm nghiên cứu; hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ sử dụng hạ tầng nghiên cứu và phát triển được đầu tư từ ngân sách nhà nước để hoàn thiện kết quả nghiên cứu... (laodong.vn; chinhphu.vn...)

- Thời cơ để các trường ĐH đẩy mạnh nghiên cứu KHCN và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh rất đặc biệt khi Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 03/2025/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành chương trình hành động cụ thể, nhanh chóng đưa các nghị quyết trên đi vào cuộc sống. Đồng thời, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết 193 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đang chủ trì xây dựng Luật KH&CN sửa đổi với nhiều nội dung mới, sẽ sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua. Những căn cứ chính trị và pháp lý này sẽ là nền tảng quan trọng để các cơ sở đào tạo đại học phát huy cao nhất việc nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực của mình trong thời gian tới, nhất là đối với các ngành mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... (baochinhphu.vn; giaoducthoidai.vn...)

- Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến tăng thêm ngân sách nghiên cứu cho Bộ Quốc phòng. Nhắc tới nguyên tắc chấp nhận rủi ro từng nhiệm vụ, từng dự án nghiên cứu nhưng Bộ trưởng KH&CN cho rằng vẫn đánh giá hiệu quả tổng thể của các tổ chức nghiên cứu, để xem tổ chức nghiên cứu nào hiệu quả để tiếp tục giao thêm nhiệm vụ. Bộ KH&CN sẽ ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động KHCN của các tổ chức nghiên cứu. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ Quốc phòng là một bộ lớn về KHCN và nghiên cứu có hiệu quả. Hiệu quả này sẽ được tính dựa trên doanh thu của sản xuất loạt đưa vào trang bị, giảm nhập khẩu. Trung bình mỗi năm, Bộ Quốc phòng được cấp hàng ngàn tỷ đồng cho nghiên cứu."Năm nay, Bộ KH&CN dự kiến tăng thêm ngân sách nghiên cứu cho Bộ Quốc phòng. Đề nghị Bộ Quốc phòng tập trung vào các nghiên cứu có tính chiến lược, tập trung vào các cơ sở nghiên cứu có uy tín của quân đội". (quandoinhandan.vn; vietnamnet.vn; viettimes.vn...)

VI. Phát triển công nghệ

- Đột phá trong phát triển khoa học và công nghệ trong kỷ nguyên mới. 7 cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ gồm Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu; Người làm nghiên cứu được hưởng kết quả thương mại hóa; Hỗ trợ kinh phí để phát triển nhanh 5G; Cho phép dịch vụ Internet vệ tinh nước ngoài; Phát triển cáp quang biển; Dùng ngân sách làm nền tảng số dùng chung; Hỗ trợ tài chính nhà máy chế tạo chip đầu tiên. (Vnexpress.vn; Chinhphu.vn...).

- Đào tạo nhân lực và phát triển khoa học công nghệ. Các cơ sở giáo dục đại học được xác định là cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao, nuôi dưỡng và phát triển nhân tài khoa học, công nghệ. Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia, trong đó hệ thống giáo dục đại học giữ vai trò nòng cốt (giaoducthoidai.vn; giaoducthudo.vn; daibieunhandan.vn; quandoinhandan.vn)

- Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết này, xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội (baodantoc.vn; nguoilaodong.vn; chinhphu.vn...).

VII. Ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và doanh nghiệp

- Đề xuất tiêu chí hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số quốc gia. Nhằm tạo đột phá, Bộ KH&CN đề xuất tiêu chí hỗ trợ doanh nghiệp triển khai KH,CN,ĐMST&CĐS. (laodong.vn)

- Xây dựng đề án về doanh nghiệp công nghệ chiến lược. Thủ tướng giao các cơ quan xây dựng đề án hình thành doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước nhằm phát triển hạ tầng số, nhân lực số và dữ liệu số. Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 ngày 18/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng và ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược. Chương trình này tập trung vào hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia cho công nghệ chiến lược, đồng thời xây dựng Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. (vnexpress.vn; baochinhphu.vn...)

- Khơi nguồn đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân: Bài viết đề cập đến việc thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới như yếu tố then chốt giúp kinh tế tư nhân bứt phá và vươn tầm quốc tế. Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã được ban hành và có những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ngay sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Nghị quyết số 03/NQ-CP ban hành Chương trình hành động triển khai với 41 chỉ tiêu, 7 nhóm nhiệm vụ và 140 nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy đầu tư hạ tầng khoa học công nghệ, phát triển nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. (kinhtedothi.vn; vneconomy.vn; vnexpress.vn; chinhphu.vn...)

- Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên phong mới: Bài viết thông tin về hội thảo tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp muốn ứng dụng công nghệ tiên phong mới trên thế giới tại Việt Nam. (quandoinhandan.vn; hanoimoi.vn; tuoitrethudo.vn; kinhtedothi.vn...)

- 10 công ty khởi nghiệp công nghệ bước vào chung kết "Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2025": Bài viết giới thiệu về 10 công ty đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ tham gia chương trình ươm tạo 6 tháng và có cơ hội nhận tổng giải thưởng tiền mặt trị giá 225.000 USD. (nguoilaodong.vn; đienandoanhnghiep.vn; sggp.vn; ict.vn...)

VIII. Sở hữu trí tuệ

- Tổng Bí thư Tô Lâm: Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình cho doanh nghiệp tư nhân. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự quan trọng của bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình của doanh nghiệp tư nhân trong việc phát triển nền kinh tế. Tổng Bí thư cho rằng Nhà nước cần xây dựng và thực thi các cơ chế pháp lý chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi này, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp tư nhân trong tương lai. Tổng Bí thư cũng đề cập đến sự đóng góp của kinh tế tư nhân trong việc nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. (ictvietnam.vn; mekongasean.vn; thuonghieucongluan.com...)

- Gần 50 doanh nghiệp được hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang phối hợp với Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ (SHTT) cho gần 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội thảo đã cung cấp thông tin về SHTT, tài sản trí tuệ và hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Đây là một phần của nhiệm vụ "Phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2024-2027," dự kiến hoàn thành vào năm 2027. (baohaugiang.com.vn)

- Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ. Thông điệp Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day) năm 2025 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chọn là "Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ." Ngày này tôn vinh vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy sáng tạo, đặc biệt là trong ngành âm nhạc. WIPO nhấn mạnh sự kết nối giữa âm nhạc và các lĩnh vực khác như phim, công nghệ, thời trang và trò chơi điện tử, đồng thời khẳng định sở hữu trí tuệ bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ và doanh nhân, giúp ngành âm nhạc phát triển bền vững và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. (baodongnai.com.vn)

IX. Tiêu chuẩn đo lường chất lượng

- Nâng cao công tác quản lý, tạo cơ chế đột phá thúc đẩy hàng Việt xuất khẩu. Ngày 03/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo "Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá". Nêu ý kiến tại Hội thảo "Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá", các đại biểu đề xuất cần tạo cơ chế đột phá để thúc đẩy hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước trên thế giới; bổ sung thêm khái niệm về mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa... Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là cần thiết nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trước yêu cầu mới của thực tiễn, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế; đồng thời nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật hiện hành. (quochoi.vn, vcci.com.vn, vietq.vn...)

- Hội đồng Quốc gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2024 họp phiên lần thứ hai. Tại cuộc họp, Hội đồng đã nghe báo cáo từ hoạt động GTCLQG từ cơ quan thường trực, đánh giá tổng kết quá trình xét duyệt tổ chức/doanh nghiệp tham dự GTCLQG năm 2024. Theo báo cáo, năm 2024 có 42 tổ chức/doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia GTCLQG, trong đó có 05 tổ chức/doanh nghiệp do Hội đồng sơ tuyển Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất và 37 tổ chức/doanh nghiệp từ 27 Hội đồng sơ tuyển cấp tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Lê Xuân Định giao cho Cơ quan Thường trực tiếp thu các ý kiến của Hội đồng trong cuộc họp lần này để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, lấy ý kiến các đơn vị liên quan để đảm bảo tính chặt chẽ trong khâu xét duyệt; đề nghị Cơ quan Thường trực GTCLQG nghiên cứu, đổi mới cơ chế, phương pháp triển khai, mở rộng quy mô, đối tượng tham dự... (vietq.vn, most.gov.vn...)

- Tận dụng lợi thế về khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Sáng 10/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm thể chế hóa thực hiện các chính sách: đổi mới việc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. (vietq.vn, most.gov.vn, baochinhphu.vn...)

X. Năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân

- Hành lang pháp lý đưa Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vận hành trước 2032. Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh Việt Nam đang nỗ lực triển khai các dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận gồm: Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Hiện nay, các dự án đã quy hoạch xong địa điểm, xây dựng hệ thống pháp quy, đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân… do đó, Việt Nam cần khẩn trương Hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). (vietnamplus.vn; baochinhphu.vn; baotintuc.vn...)

- Xây 2 khu tái định cư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận dọc bờ biển. Ngày 17.3, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức buổi họp Ban Chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN). Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, tổng công suất khoảng 4.600 MW. Trong đó, Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 có công suất khoảng 2.400 MW, đặt tại xã Phước Dinh, H. Thuận Nam; Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2, công suất khoảng 2.200 MW, đặt tại xã Vĩnh Hải, H.Ninh Hải. (thanhnien.vn; tuoitre.vn).

- Ninh Thuận hoàn thành đất sạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong năm 2025. Ngày 5.3, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra, thị sát tình hình thực hiện di dân, tái định cư cho người dân trong vùng xây dựng Dự án Nhà máy điện hạt nhân 1 và 2. (thanhnien.vn).

- Đề xuất "nhạc trưởng", chọn Nga và Nhật xây nhà máy điện hạt nhân. Các chuyên gia cho rằng, để hoạt động xây dựng nhà máy điện hạt nhân diễn ra nhanh chóng, thông suốt, Chính phủ cần bổ sung một phó trưởng ban chuyên trách thực hiện chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho đến khi đi vào vận hành. Nhóm chuyên gia cũng đề xuất nên ưu tiên chọn làm việc với 2 đối tác Nga, Nhật Bản. (tienphong.vn, cafef.vn).

- Vì sao học ngành kỹ thuật hạt nhân có thể làm việc trong bệnh viện? Sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật hạt nhân có thể tìm được việc làm phù hợp tại địa phương gần nhà. Trong chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" do Báo Người Lao Động tổ chức tại Trường THPT Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vừa qua, TS Đỗ Văn Toản, Phó trưởng Khoa Xã hội học và Công tác Xã hội - Trường ĐH Đà Lạt, cho biết ngành kỹ thuật hạt nhân hiện nay ra trường có nhiều cơ hội việc làm. (nld.com.vn).

- Các chuyên gia gợi ý với Thủ tướng một số giải pháp ban đầu cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) cùng đại diện một số ban của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức làm việc, trao đổi đối với đại diện các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo (có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền - CCA sau ngày được công nhận ngày vận hành thương mại - COD) để phổ biến, đối thoại, trao đổi thông tin. Các buổi trao đổi giữa EVN với một số nhà đầu tư lần này nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo tinh thần Nghị quyết 233 của Chính phủ. (nangluongvietnam.vn).

- Tập đoàn Pháp mong muốn tham gia dự án "quốc gia đại sự" của Việt Nam, profile khủng cỡ nào? Doanh nghiệp này là Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về năng lượng. Lĩnh vực mà tập đoàn này muốn tham gia hỗ trợ cho Việt Nam là phát triển các dự án điện hạt nhân. (cafef.vn)

- Thẩm định Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Bộ Khoa học và Công nghệ vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ cho ý kiến. (thoibaonganhang.vn).

banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top