Ngày 08/6 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Đại dương thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò quan trọng của đại dương trong đời sống nhân loại. Năm 2025, với chủ đề "Đại dương kỳ diệu: Gìn giữ nguồn sống của nhân loại" cộng đồng quốc tế được kêu gọi cùng hành động để bảo vệ đại dương trước những thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người.
Tại Việt Nam, hưởng ứng lời kêu gọi trên và thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, lan tỏa thông điệp "Công nghệ xanh để đại dương bền vững" - chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025.
Hưởng ứng chương trình này, Viện KH&KTHN đã tổ chức tại Hội thảo khoa học với chủ đề "Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu rác thải nhựa vùng biển". Chương trình do Phòng Hành chính - Tổ chức phối hợp cùng Đoàn Thanh niên triển khai với phần trình bày của TS. Hà Lan Anh - Nghiên cứu viên chính, Trưởng phòng Thí nghiệm Thủy văn Đồng vị thuộc Trung tâm Kỹ thuật hạt nhân.

TS. Hà Lan Anh trình bày tại Hội thảo.
Báo cáo đã phản ánh về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương - vấn đề môi trường toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt trong các báo cáo đánh giá được công bố gần đây Việt Nam là một trong bốn quốc gia thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới. Hiện nay, 80% lượng rác thải nhựa bắt nguồn từ đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái biển và sức khỏe con người qua chuỗi thức ăn bị ô nhiễm bởi vi nhựa. Cũng trong bài trình bày, TS. Hà Lan Anh đã giới thiệu các kỹ thuật hạt nhân tiên tiến được áp dụng trong truy xuất nguồn gốc và đánh giá tác động của rác thải nhựa, vi nhựa trong môi trường biển như: phân tích đồng vị bền (δ¹³C, δ²H), kích hoạt neutron (NAA), chiếu xạ gamma, định tuổi trầm tích bằng Pb-210, Cs-137 bằng phổ kế gamma.
Ngoài ra, các thiết bị phân tích hiện đại như quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR), kính hiển vi điện tử cũng được nhóm nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong dự án hợp tác quốc tế như RAS 7038 và INT 7021 với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại vùng biển Hải Phòng, bước đầu cho kết quả khả quan trong xác định vi nhựa trong nước biển, cát và trầm tích. Với sự hỗ trợ của IAEA về đào tạo nguồn nhân lực và viện trợ trang thiết bị thông qua các dự án RAS 7038 và INT 7012, Viện KH&KTHN đang bước đầu xây dựng nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm quan trắc và phân tích vi nhựa trong môi trường biển.
Kết thúc buổi Hội thảo, diễn giả đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm như: Tăng cường năng lực phân tích vi nhựa tại các phòng thí nghiệm môi trường biển bằng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về vi nhựa; thúc đẩy hợp tác quốc tế; tích hợp kết quả nghiên cứu vào hoạch định chính sách quản lý môi trường biển và nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của khoa học hạt nhân trong giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa.

Một số kết quả nghiên cứu về vi nhựa trong nước biển Hòn Dấu, Đồ Sơn được thực hiện tại Viện KH&KTHN.
Thông qua Hội thảo, Viện KH&KTHN mong muốn không chỉ lan tỏa thông điệp bảo vệ đại dương mà còn khẳng định vai trò tiên phong của khoa học và công nghệ, đặc biệt là tiềm năng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong việc hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển và gìn giữ môi trường sinh thái đại dương.