
VTC có người phụ trách Hội đồng thành viên mới
VnMedia - Theo Quyết định số 2253/QĐ-BTTTT ngày 22/12/2011, ông Nguyễn Khả Dân, thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC sẽ đảm nhận nhiệm vụ phụ trách Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC kể từ ngày 1/1/2012.
Chiều qua, 29/12/2011, cùng với việc trao quyết định nghỉ hưu cho ông Thái Minh Tần, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đọc quyết định giao ông Nguyễn Khả Dân, thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty VTC đảm nhận nhiệm vụ phụ trách Hội đồng thành viên Tổng công ty.
Cụ thể, theo Quyết định số 2089/QĐ-BTTTT ngày 5/12/2011, ông Thái Minh Tần - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, (trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) được nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2012.
Còn Quyết định số 2253/QĐ-BTTTT ngày 22/12/2011 nêu rõ, ông Nguyễn Khả Dân, thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC sẽ đảm nhận nhiệm vụ phụ trách Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC kể từ ngày 1/1/2012.
10 sự kiện ICT Việt Nam tiêu biểu năm 2011
Báo ICT News, Vietnamplus, Lao động, Tuổi trẻ đưa tin, ngày 28/12, Vietnam ICT Press Club đã chính thức tổ chức Lễ công bố các sự kiện CNTT-TT (ICT) tiêu biểu năm 2011, Tọa đàm Triển vọng Viễn thông Việt Nam 2012 và Kỷ niệm 10 năm Lễ công bố các sự kiện ICT tiêu biểu ra mắt.
Dựa trên các tiêu chí: mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội và sự phát triển của ngành CNTT-TT, hơn 30 nhà báo, phóng viên chuyên trách, có uy tín và bề dày theo dõi lâu năm về CNTT-TT đến từ các báo, đài phát thanh, truyền hình trên cả nước đã đề cử ra 19 sự kiện nổi bật của năm 2011 để chấm điểm và chọn ra 10 sự kiện tiêu biểu nhất của năm 2011.
1 - Ầm ĩ thương vụ EVN Telecom
2 - Bắt buộc VNPT không được sở hữu hai mạng di động
3 - Hàng loạt tên miền .gov.vn bị tấn công
4 - Beeline “trở lại thị trường” với gói cước Tỷ phú bị “thổi còi”
5 - AVG chính thức tham gia thị trường truyền hình trả tiền
6 - Thu hồi dự án công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam
7 - Biến động nhân sự cấp cao trong ngành ICT
8 - Khách hàng tố siêu phẩm Samsung Galaxy SII sản xuất tại VN lỗi tùm lum
9 - Tập đoàn công nghệ FPT nổi danh nhờ showbiz
10 - Viettel bước chân vào lĩnh vực sản xuất điện thoại, máy tính
Cũng nằm trong khuôn khổ buổi lễ, Câu lạc bộ Nhà báo CNTT-TT đã tổ chức tọa đàm và dự báo về các vấn đề, xu hướng ICT nổi bật sẽ diễn ra trong năm 2012 gồm: Lĩnh vực phần mềm: Phần mềm Việt Nam vẫn không có sự đột phá; Lĩnh vực viễn thông: Xu hướng doanh nghiệp viễn thông "lấn sân" sang truyền hình; Lĩnh vực phần cứng: Sản phẩm điện thoại, máy tính bảng thương hiệu Việt sẽ tìm được chỗ đứng; Doanh nghiệp: Số phận của S-Fone sẽ được định đoạt; VNPT sẽ phải quyết định số phận của Card Phone.
Những sự kiện ICT Việt Nam nổi bật năm 2011
VnMedia - 2011 được đánh giá là năm thị trường viễn thông, CNTT Việt Nam khá trầm lắng, không có nhiều sự đột phá. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những điểm sáng, bước ngoặt mới cả trong quản lý, điều hành và lộ trình, hướng đi mới của các doanh nghiệp…
VnMedia điểm lại một số sự kiện Viễn thông, CNTT nổi bật trong năm 2011 gồm: VNPT nhận giải thưởng Băng rộng quốc tế; Cục Viễn thông chính thức được thành lập; An ninh mạng Việt Nam “nóng” với hàng loạt vụ tấn công; Hai mạng di động của VNPT hợp sức khuyến mại nội mạng; Beeline quay lại thị trường với gói cước Tỷ phú bị “thổi còi”
Cổ phần hóa DN viễn thông nhà nước để có thị trường thực sự cạnh tranh
ICTnews - Hầu hết các doanh nghiệp viễn thông lớn đều là doanh nghiệp Nhà nước. Hơn 95% tài sản của mạng viễn thông đều của Nhà nước. Điều đó chứng tỏ thị trường viễn thông Việt Nam vẫn chưa thực sự cạnh tranh. Đó là nhận định của TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT tại Tọa đàm “Triển vọng Viễn thông Việt Nam năm 2012” do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT-TT Việt Nam tổ chức chiều 28/12/2011.
“Hiệu quả quản lý và đầu tư viễn thông còn có những hạn chế nhất định khi hầu hết các doanh nghiệp lớn đều là doanh nghiệp Nhà nước, hơn 90% tài sản của mạng viễn thông Việt Nam đều của Nhà nước. Có thể liên tưởng “bức tranh” thị trường hiện nay giống như một gia đình có một ông bố cho các con ăn riêng rồi để các con cạnh tranh với nhau. Khi đó chưa thể có sự cạnh tranh thực sự”, TS. Mai Liêm Trực chia sẻ.
Để khắc phục hiện trạng này, theo ông Trực, Nhà nước phải vững tay sắp xếp lại các doanh nghiệp viễn thông, thậm chí thu hồi lại một số giấy phép, chỉ duy trì khoảng 4 doanh nghiệp lớn chứ không thể để quá nhiều doanh nghiệp tồn tại như hiện nay.
Khởi động xu thế sáp nhập – chia tách
VietnamNet - Số phận của EVN Telecom dường như đã được định đoạt, nhưng dư âm của nó sẽ còn kéo dài khá lâu khi mà Hanoi Telecom đang liên đới phải chịu cảnh bĩ cực hậu sáp nhập.
Cùng liên thông giấy phép 3G năm 2009 nhưng giờ đây khi "hôn thú tách đôi", mạng Vietnamobile của Hanoi Telecom sau hồi kêu cứu không thành đã phải gồng mình triển khai 3G trong một bối cảnh đầy khó khăn và những bài toán nan giải. Độ phủ hẹp, băng tần cao khiến chi phí triển khai, vận hành đắt đỏ cùng yếu thế của một nhà mạng đi sau hơn 2 năm, Vietnamobile đang đứng trước những thách thức cao như núi và lời giải cũng không dễ tìm.
Về phần đại gia MobiFone và VinaPhone, số phận của 2 đứa con thuộc Tập đoàn VNPT cũng vẫn kín như bưng bởi theo luật thì thời điểm 2 mạng phải nhập lại thành 1 không còn bao xa.
Thị trường đã lác đác xuất hiện các mạng di động ảo nhưng để tiến tới một thị trường mở, đầy cạnh tranh và ổn định, có lẽ năm 2012 chưa phải thời điểm. Thương vụ EVN Telecom - Viettel báo hiệu xu thế nhà mạng nhỏ bị “xóa sổ” đã trở thành sự thực sau một thời gian dài chỉ có thêm mạng di động mới. Viễn cảnh nào sẽ xảy ra nếu một mạng “Vi-Mo-Fone” ra đời cạnh tranh với “Viet-EVN” và mạng 4G của “S-Bee” được thành lập? Đó không phải là một kịch bản mang tính đùa cợt, mà dường như năm 2012 sẽ là thời khắc bản lề để quyết định hướng chuyển của ngành viễn thông Việt Nam.
Tại TP Hồ Chí Minh: 37.000 thuê bao di động bị ngừng hoạt động
VnExpress, Dân trí, Lao động - Ngày 27/12, trong cuộc họp với các sở ngành về xử lý vi phạm quy định quản lý thuê bao điện thoại di động, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt mỗi nhà mạng 30 triệu đồng gồm Viettel, MobiFone và Vinaphone.
“Các nhà mạng này bị xử phạt vì đã không thực hiện đúng quy định về tiếp nhận và đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước”, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông lý giải.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà yêu cầu các nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ đối với tất cả các thuê bao không đăng ký thông tin rõ ràng. Ông cũng yêu cầu cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra để ngăn chặn tình trạng vi phạm của các nhà mạng. “Nếu các nhà mạng tiếp tục vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định”, ông Hà nhấn mạnh.
1,3 triệu thuê bao trả trước phải khai lại thông tin từ 1/1/2012
ICTnews - Bộ TT&TT cho biết sẽ có khoảng 1,3 triệu thuê bao trả trước của Viettel, MobiFone và VinaPhone tại Hà Nội và Đà Nẵng sẽ phải đăng ký lại thông tin cá nhân. Việc đăng ký lại sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2012.
Cuối năm 2010, Bộ TT&TT đã thu thập cơ sở dữ liệu thuê bao di động trả trước của các mạng di động tại 3 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM để chuyển sang Bộ Công an tiến hành đối soát thí điểm. Nguồn tin của Báo Bưu điện cho biết, sau khi đối soát thông tin và trừ đi số thuê bao đã rời mạng có khoảng 25% số thuê bao mà Bộ TT&TT chuyển sang Bộ Công an sẽ phải đăng ký lại thông tin cá nhân vì thông tin đăng ký trước đó không chính xác. Như vậy, tại Hà Nội và Đà Nẵng sẽ có khoảng 1,3 triệu thuê bao của các mạng di động sẽ phải đăng ký lại thông tin cá nhân.
Hiện vẫn chưa có thông tin về việc có công bố ngay kết quả đối soát thông tin cá nhân của thuê bao di động trả trước tại TP.HCM.
Mới đây, Bộ TT&TT đã bàn giao kết quả đối soát số liệu thuê bao cho 3 mạng di động trên. Ngay sau khi nhận bàn giao, Bộ TT&TT đã yêu cầu các mạng di động phải nhắn tin đến tất cả các số thuê bao có thông tin đăng ký không chính xác hoặc sai để yêu cầu chủ thuê bao đăng ký lại thông tin cá nhân trong 30 ngày. Việc đăng ký này sẽ phải thực hiện trực tiếp tại các điểm giao dịch của nhà mạng.
Thành phố Hà Nội sẽ quy hoạch lại đại lý Internet
Vietnamplus, Vietnamnet - Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội ngày 28/12 đã công bố kết quả điều tra, khảo sát mức độ sử dụng Internet và trò chơi trực tuyến tại các đại lý Internet trên địa bàn Thủ đô.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho hay, kết quả của cuộc điều tra này sẽ là cơ sở dữ liệu phục vụ cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý các đại lý Internet và trò chơi trực tuyến. Ngoài ra, nó cũng sẽ được phục vụ trong công tác quản lý các đại lý Internet trên địa bàn thành phố.
Phía các phòng văn hóa-thông tin cấp quận, huyện của Hà Nội thì đưa ra đề xuất các biện pháp như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, tăng hình thức xử phạt với các đại lý vi phạm. Đặc biệt, họ cũng đề nghị cần đưa các đại lý Internet vào các điểm quy hoạch như siêu thị, khách sạn… và hạn chế các đại lý Internet công cộng.
Trước đó, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Vietnam+, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng cho biết sau khi có kết quả khảo sát sẽ đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quy hoạch đại lý Internet.
Theo kết quả điều tra, hiện toàn Hà Nội có 2.110 đại lý Internet đang hoạt động. Nhìn chung, các đại lý thường chấp hành tốt quy định về đăng ký kinh doanh, hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ… Tuy nhiên, họ thường lách luận bằng cách tháo biển kinh doanh nhưng vẫn cung cấp dịch vụ, dùng đường truyền cá nhân để kinh doanh, tắt đèn sau 23 giờ lén lút hoạt động phía trong…
Trao giải Quả Cầu Vàng 2011
Vietnamplus, ICTnews, Vietnamnet - Tối 29/12/2011, đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2011 cho 10 gương mặt trẻ tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu năm 2011.
Giải thưởng “Quả Cầu Vàng” được tổ chức thường niên từ năm 2001 nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ trong lĩnh vực CNTT. Từ năm 2011, Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và Công nghệ mở rộng giải thưởng này thành Giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của lĩnh vực khoa học, công nghệ.
3 "Quả Cầu Vàng" trong lĩnh vực CNTT thuộc về: Nguyễn Vương Linh - sinh năm 1993, sinh viên ngành Khoa học Máy tính, Đại học Quốc gia Hà Nội, người vừa đem về cho Việt Nam tấm Huy Chương vàng Olympic Tin học Quốc tế sau 8 năm chờ đợi - là gương mặt trẻ tuổi nhất được vinh danh "Quả Cầu Vàng" năm nay. 2 gương mặt tiêu biểu khác của lĩnh vực CNTT-TT là 2 giảng viên của Viện CNTT-TT Đại học Bách Khoa Hà Nội gồm PGS.TS Lê Thanh Hương, sinh năm 1976, (một trong những nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam), giảng viên bộ môn Hệ thống thông tin; và TS. Cao Tuấn Dũng, Phó trưởng Bộ môn Công nghệ phần mềm.
Ngoài ra, trong dịp này, 20 giải thưởng “Nữ sinh Công nghệ thông tin tiêu biểu 2011” cũng được trao tặng cho các sinh viên của 18 trường đại học trong cả nước. Đây là giải thưởng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nhằm biểu dương các nữ sinh tài năng trong học tập, nghiên cứu và làm chủ công nghệ thông tin. Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học FPT là 2 trường duy nhất có 2 sinh viên được nhận Phần thưởng này.
Lập Danh mục phần mềm đã đăng ký sở hữu trí tuệ
ICTnews - Bộ TT&TT vừa chính thức gửi công văn đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp gửi báo cáo danh mục sản phẩm phần mềm và nội dung số đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan (kèm theo mô tả sản phẩm, thông tin sơ bộ chứng minh quyền sở hữu trí tuệ...).
Trên cơ sở các báo cáo này, Bộ TT&TT sẽ lập danh sách các sản phẩm CNTT Việt Nam đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch tăng cường việc thanh, kiểm tra việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm này trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp cũng như khuyến khích phát triển thị trường trong nước.
Trên thế giới, hầu hết các nước đều tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm CNTT của họ tại thị trường nội địa.
Triển vọng cho truyền hình trả tiền Việt Nam
VnMedia - Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã coi số hóa truyền hình là một xu hướng tất yếu và đặt ra những lộ trình thích hợp để thực hiện mục tiêu này. Khi hoàn thành quá trình số hóa, tín hiệu số sẽ trở thành một tiêu chuẩn giao tiếp giữa các đài truyền hình với nhau và các đài truyền hình analog truyền thống sẽ dần bị tụt hậu.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, giờ đây, các hộ gia đình thay vì sử dụng các kênh truyền hình quen thuộc còn có những lựa chọn mới với truyền hình trả tiền. Loại hình mới này được khá nhiều người ưa chuộng không chỉ do sự đa dạng trong nội dung chương trình mà còn vì tránh được việc bị gián đoạn vì quá nhiều quảng cáo.
Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có khoảng 50 - 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này với nhiều cái tên quen thuộc như VNPT, VTC, HTVC, FPT, K+… Và để tăng sức cạnh tranh, các hãng truyền hình đều phải tung ra các chiến lược tăng kênh, đa dạng hóa dịch vụ, giảm chi phí lắp đặt và sử dụng cho khách hàng. Các doanh nghiệp lớn như VNPT, K+ hay VTC đã thực hiện các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng cho dịch vụ của mình.