
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn tại Hội thảo truyền thông sáng tạo
Ngày 27/11/2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam và Ericsson đồng tổ chức Hội thảo “Truyền thông sáng tạo”.
Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong khuôn khổ của chương trình “Sáng tạo Thụy Điển” và các hoạt động bên lề chào mừng Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển.Đến tham dự và chỉ đạo Hội thảo có ông Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và bà Camilla Mellander - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Tham dự Hội thảo có đại diện các công ty đang đứng đầu về sự sáng tạo trong ngành truyền thông như Ericsson (Công ty Công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu trên thế giới với tập trung lớn về truyền thông di động), Appland (Công ty phát triển các phần mềm cho điện thoại di động và các thiết bị TV trên toàn thế giới), Niteco (Công ty phát triển nền điện tử cho các công ty truyền thông lớn nhất tại Thụy Điển)… Báo điện tử congluan.vn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của ông Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - phát biểu tại buổi khai mạc Hội thảo: "Sáng tạo truyền thông"
Thưa các Quý vị đại biểu, các vị khách mời tham dự Hội thảo!
Thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi nồng nhiệt chào đón tất cả quý vị tham dự Hội thảo "Sáng tạo truyền thông" - một trong những sự kiện quan trọng trong khuôn khổ của Chương trình "Sáng tạo Thụy Điển" nhân kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam và Thụy Điển thiết lập quan hệ ngoại giao (1969-2014). Xin chúc Quý vị dồi dào sức khỏe, chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.
Thưa Quý vị!
Hội thảo "Sáng tạo truyền thông" lần này là cơ hội để chúng ta trao đổi, chia sẻ, học hỏi về chuyên môn, về kinh nghiệm thực tế, các cơ hội và những thách thức của lĩnh vực truyền thông trong kỷ nguyên kỹ thuật số ngày nay. Trong khuôn khổ chủ đề Hội thảo hôm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông đại chúng của Việt Nam, xin chia sẻ một số nội dung khái quát về sự phát triển của lĩnh vực truyền thông truyền hình tại Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, kể từ năm 1975 đến nay, báo chí Việt Nam nói chung đã phát triển khá nhanh về loại hình, về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Hiện nay, ở Việt Nam đã có đầy đủ các loại hình báo chí, gồm: báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử. Chất lượng nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, đa dạng, phản ánh toàn diện các mặt của đời sống xã hội; hình thức thể hiện sinh động và hấp dẫn, tạo hiệu quả truyền thông ngày càng cao trong xã hội. Đồng hành với công cuộc đổi mới của đất nước, báo chí đã có bước nhảy vọt về số lượng. Từ vài chục cơ quan báo chí trong những ngày đầu, đến nay cả nước đã có: 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm báo chí, 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí, cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình, gồm: 2 đài trực thuộc Trung ương (Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam); 01 đài thuộc Bộ (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC); 64 Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương (gồm 62 Đài Phát thanh - Truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; riêng thành phố Hồ Chí Minh có 02 đài: Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh).
Trong bốn loại hình truyền thông báo chí ở Việt Nam hiện nay, truyền thông truyền hình là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, năng động và có ảnh hưởng to lớn đến xã hội.
Theo thống kê đến hết tháng 12/2013, cả nước có: 104 kênh truyền hình phát sóng quảng bá do các đài PTTH sản xuất và trực tiếp phát sóng. Ngoài ra, còn có 82 kênh phát thanh, truyền hình trong nước (73 kênh truyền hình, 9 kênh phát thanh) do các đài PTTH trực tiếp sản xuất và 40 kênh truyền hình nước ngoài được các đài phát thanh, truyền hình mua bản quyền và được cấp phép biên tập, biên dịch để cung cấp trên hệ thống truyền hình trả tiền của các doanh nghiệp.
Hệ thống truyền hình trả tiền tại Việt Nam sử dụng bốn loại công nghệ truyền dẫn, phát sóng, gồm: truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, truyền hình cáp (gồm cả IPTV) và truyền hình di động. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền tăng trưởng mạnh trong 3 năm gần đây và đạt xấp xỉ 6,6 triệu thuê bao, trong đó số lượng thuê bao truyền hình cáp chiếm khoảng 50%.
Thưa quý vị,
Hệ thống truyền thông truyền hình tại Việt Nam trong những năm qua đã phát huy hiệu quả và là kênh truyền thông quan trọng đáp ứng khá tốt nhu cầu thông tin, giải trí và nâng cao dân trí của người dân. Tuy nhiên, có một số đặc điểm của hệ thống truyền thông truyền hình cần được lưu ý, điều chỉnh để có thể thích ứng được xu thế hội tụ công nghệ và dịch vụ đang diễn ra rất nhanh chóng quanh chúng ta.
Đối với hệ thống truyền hình quảng bá: Một là, tổ chức các đài PTTH chưa thống nhất về mô hình và còn phân tán. Ngoài các đài truyền hình ở Trung ương, tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có đài riêng, vừa làm truyền hình vừa làm phát thanh (trừ thành phố Hồ Chí Minh). Hai là, hoạt động của các đài truyền hình thực hiện theo mô hình khép kín và tập trung: các đài vừa làm tin tức, vừa sản xuất nội dung chương trình truyền hình và vừa thực hiện việc phát sóng phục vụ người xem. Ba là, các nguồn lực và năng lực sản xuất nội dung chương trình của các đài không đồng đều, có nhiều khác biệt giữa đài ở Trung ương và đài địa phương, giữa đài ở miền đồng bằng và đài ở miền núi, biên giới.
Đối với hệ thống truyền hình trả tiền: Một là, công nghệ phổ biến trên truyền hình trả tiền hiện nay vẫn là truyền hình cáp tương tự có nhiều hạn chế về khả năng truyền dẫn và chất lượng tín hiệu. Hai là, chất lượng các chương trình truyền hình trả tiền từng bước được nâng cao với sự ra đời của nhiều chuyên mục, nhiều kênh chuyên đề và đang hướng tới các đối tượng chuyên biệt và đang thay thế dần các chương trình khai thác từ nước ngoài. Tuy nhiên, nội dung chương trình vẫn chưa hấp dẫn, chất lượng sản xuất chưa cao. Ba là, mặc dù số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhiều nhưng chưa hình thành được doanh nghiệp đủ mạnh để triển khai rộng khắp đến các vùng nông thôn và từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
Nhận thức rõ những đặc điểm của hệ thống truyền thông truyền hình Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì đề xuất Chính phủ ban hành chính sách và thực hiện nhiều giải pháp quản lý hết sức linh hoạt, phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ số trong lĩnh vực truyền hình. Trong 5 năm gần đây, một số chính sách quản lý mới đã điều chỉnh tích cực hoạt động truyền thông truyền hình trên cả nước theo hướng chuyên nghiệp và bắt kịp xu thế phát triển.
Đối với hệ thống truyền hình quảng bá, Nhà nước đã ban hành quy hoạch truyền dẫn phát sóng đến năm 2020, theo hướng tách bạch rõ việc quản lý sản xuất nội dung chương trình do các đài đảm nhiệm, thực hiện theo quy định của Luật Báo chí; việc quản lý truyền dẫn, phát sóng sẽ do các doanh nghiệp viễn thông đảm nhiệm, thực hiện theo quy định của Luật Viễn thông. Việc làm này nhằm thực hiện chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa trong hoạt động truyền thông truyền hình, từng bước hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng với sự tham gia của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Theo kế hoạch triển khai, đến hết năm 2015, tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương (gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh) sẽ kết thúc phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, chuyển hoàn toàn sang phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất. Trong vài năm tới đến năm 2020, từng bước người dân cả nước sẽ được xem nhiều kênh truyền hình miễn phí với chất lượng tốt trên truyền hình kỹ thuật số mặt đất. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ có cơ hội cung cấp nhiều gói dịch vụ truyền hình hấp dẫn kèm theo các dịch vụ giá trị gia tăng phong phú. Về phía Nhà nước, việc thực hiện được quy hoạch này, sẽ giải phóng được quỹ tài nguyên tần số phục vụ cho các mục tiêu phát triển khác (như triển khai dịch vụ viễn thông di động thế hệ 4 (4G), thế hệ 5 (5G)...).
Đối với hệ thống truyền hình trả tiền, theo Quy hoạch phát triển đã được Chính phủ phê duyệt, công nghệ số sẽ đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ. Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển để từng bước hình thành một số doanh nghiệp có hạ tầng mạng rộng khắp cung cấp dịch vụ đến các vùng nông thôn, vùng xa. Các doanh nghiệp được khuyến khích ứng dụng thế mạnh của kết nối băng rộng, mạng viễn thông di động và mạng internet toàn cầu để cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng đến nhiều loại thiết bị đầu cuối cá nhân khác nhau của khách hàng cả trong và ngoài nước. Theo kế hoạch, đến hết năm 2019, hệ thống truyền hình trả tiền Việt Nam sẽ hoàn thành số hóa truyền dẫn, đảm bảo kịp thời, đồng bộ với lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất vào năm 2020.
Thưa Quý vị,
Hoạt động báo chí nói chung và truyền hình nói riêng đang có những bước phát triển không ngừng. Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay và đứng trước những yêu cầu mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường định hướng XHCN, lĩnh vực truyền thông truyền hình Việt Nam sẽ vừa phải thực hiện tốt chức năng báo chí, vừa không ngừng sáng tạo trong hoạt động chuyên môn để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin giải trí và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Một lần nữa, thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi xin chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn./.