
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Nghiên cứu phải hướng tới kết quả cuối cùng là phát triển đất nước, góp phần vào tăng trưởng kinh tế
Đại học Bách khoa Hà Nội – một ngôi trường có bề dày truyền thống hơn 65 năm và là một biểu tượng về đào tạo kỹ thuật và nghiên cứu công nghệ ở Việt Nam. Tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội luôn là một niềm tự hào của mỗi sinh viên Việt Nam.
Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những lực lượng nòng cốt trong hệ sinh thái khoa học công nghệ/đổi mới sáng tạo/chuyển đổi số (KHCN/ĐMST/CĐS) của Việt Nam. Cũng tại đây, chúng ta nhìn thấy một năng lực nội tại rất lớn, một nền tảng vững chắc để trở thành trung tâm sản xuất công nghệ, cái nôi của hoạt động ĐMST, không chỉ của Việt Nam mà của khu vực và thế giới.
Về một số thành tựu nổi bật, xứng đáng được ghi nhận và khen ngợi
Thứ nhất, ĐHBK đã xây dựng được các trung tâm xuất sắc về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Đó là Trung tâm Nghiên cứu liên ngành về công nghệ cao (INCHEM), phát triển các công nghệ tiên tiến về vật liệu, sinh học, robot...; Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo (BKAI) - trung tâm đầu tiên trong hệ thống công lập có năng lực nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo về AI, nhận được tài trợ của các tập đoàn công nghệ lớn.
Thứ hai, ĐHBK có nhiều thành tích trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Số lượng bài báo quốc tế tăng mạnh, trên 2000 bài/năm, dẫn đầu khối công lập. Hơn 200 sản phẩm, quy trình công nghệ đã được chuyển giao cho doanh nghiệp.
Thứ ba, ĐHBK là đơn vị tiên phong trong việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ trong lòng đại học. Vận hành mô hình Bách Khoa Innovation Hub để hỗ trợ sinh viên làm startup và spin-off từ giảng viên. Hàng chục doanh nghiệp khởi nguồn từ nghiên cứu tại trường đã ra đời, như BK Holdings, BKAV, VietSearch, VnTrack... ĐHBK là một trong số rất ít đại học có mô hình sở hữu doanh nghiệp spin-off hiệu quả, có thu và tái đầu tư trở lại trường.
Thứ tư, ĐHBK có hợp tác tốt với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Trường có hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn như VinGroup, Viettel, Samsung, Honda, Toshiba... Là đại học Việt Nam đầu tiên xây dựng mô hình trường và doanh nghiệp đồng hành phát triển công nghệ, như BK Holdings hợp tác với các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức. Trường được các tổ chức quốc tế như World Bank, DAAD, KOICA... tài trợ các chương trình nâng cao năng lực ĐMST.
Thứ năm, ĐHBK đã đào tạo được nhiều nhân lực chất lượng cao phục vụ KHCN/ĐMST/CĐS. Hơn 35.000 sinh viên đang theo học, với hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp hàng năm phục vụ ngành công nghiệp công nghệ số, năng lượng, môi trường... Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ công nghệ có định hướng ứng dụng rõ ràng. Triển khai học phần ĐMST, khởi nghiệp, sở hữu trí tuệ cho mọi sinh viên.
Một số tồn tại kéo dài, có tính hệ thống của ĐHBK
Tỷ lệ thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn thấp. Mặc dù số lượng đề tài, bài báo quốc tế nhiều, nhưng số hợp đồng chuyển giao công nghệ giá trị lớn rất hạn chế. Doanh thu từ thương mại hóa công nghệ thường chỉ xung quanh 20 tỷ đồng/năm, chiếm 1% doanh thu của trường, trong khi các đại học nghiên cứu thì con số này phải gấp 5-10 lần. Nguyên nhân chính ở đây là, cơ chế sở hữu trí tuệ (SHTT) còn lúng túng, thiếu lực lượng trung gian để thương mại hóa kết quả nghiên cứu một cách chuyên nghiệp, văn hóa nghiên cứu - công bố mạnh, nhưng nghiên cứu - ứng dụng chưa mạnh, chưa thành thói quen. Kết quả nghiên cứu do trường/nhóm nghiên cứu tạo ra có khi lại được mang đi làm riêng (mang tính cá nhân, chuyển giao không qua trường), thay vì thương mại hóa minh bạch để mang lại doanh thu cho trường. Nguyên nhân sâu xa là thiếu cơ chế tài chính linh hoạt, thiếu quy chế nội bộ rõ ràng về SHTT, về góp vốn bằng IP, về tỷ lệ lợi nhuận khi thương mại hóa; cơ chế khuyến khích chưa đủ rõ, đủ mạnh, nên làm riêng thì nhanh hơn, lợi hơn; thiếu đơn vị chuyên nghiệp trong trường để hỗ trợ thương mại hóa, bởi vì chuyển giao công nghệ là công việc phức tạp, cần nhiều kiến thức, kỹ năng mà nhà nghiên cứu không có.
Công thức về chi và tạo ra doanh thu của 3 nhà (nhà nước - viện nghiên cứu -doanh nghiệp) là như sau: Nhà nước chi 1 đồng cho viện nghiên cứu thì viện phải tạo ra 0,1-0,2 đồng từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kết quả nghiên cứu này đến doanh nghiệp thì phải tạo ra 5-10 đồng doanh thu, tương đương 2-4 đồng giá trị gia tăng, tức là 2-4 đồng GDP. Với ĐHBK Hà Nội, hàng năm nhận khoảng 200 tỷ đồng nghiên cứu các loại, thương mại hóa thu về được khoảng 20 tỷ đồng (10%), là đã đạt mức thấp, nhưng doanh thu gián tiếp từ các kết quả nghiên cứu thì trường chưa theo dõi (nếu đạt mức yêu cầu thì phải 2000 tỷ đồng/năm). Đây là các con số định hướng để chúng ta đánh giá hiệu quả các khoản chi cho nghiên cứu phát triển công nghệ, đánh giá về tác động đến nền kinh tế của các khoản chi này.
Mục tiêu của chúng ta là mỗi năm, các kết quả nghiên cứu KHCN, từ khoản chi 25.000 tỷ đồng của nhà nước, phải đi tới doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm và góp phần tạo ra được 250.000 tỷ đồng doanh thu thương mại, tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng giá trị gia tăng (chiếm 1% GDP). Nếu ĐHBK xác định mình một cách rất khiêm tốn là chiếm 1% trong hoạt động KHCN của cả nước thì các kết quả nghiên cứu hàng năm của trường phải góp phần tạo ra 2.500 tỷ đồng doanh thu mới cho các doanh nghiệp, nếu 2% thì doanh thu là 5.000 tỷ đồng. Bởi vì, nghiên cứu phải hướng tới kết quả cuối cùng là phát triển đất nước, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, nhất là khi Đảng và Nhà nước đã xác định Việt Nam phát triển dựa trên KHCN, ĐMST và CĐS. ĐHBK từ nay phải thực hiện theo dõi các kết quả nghiên cứu đi tiếp vào doanh nghiệp như thế nào. Bởi vì, Bộ KH&CN khi xét duyệt cấp kinh phí nghiên cứu sẽ dựa trên kết quả cuối cùng của nghiên cứu trước đó.
Thứ hai, thiếu chiến lược ưu tiên công nghệ hoặc lĩnh vực mũi nhọn, chưa có các đột phá đặc biệt, các nhóm nghiên cứu hoạt động như các "tiểu vương quốc riêng", cơ chế tài chính bị hành chính hóa, nặng về thủ tục, chưa hướng tới các mục tiêu cần đạt được.
Thứ ba, đổi mới chậm trong một số ngành kỹ thuật truyền thống. Một số lĩnh vực kỹ thuật cốt lõi truyền thống (cơ khí, điện tử...) đang tụt hậu so với các lĩnh vực mới là CNTT, công nghệ số, dữ liệu lớn... Tụt hậu về thu hút sinh viên và hợp tác doanh nghiệp. Liên ngành còn rời rạc. Thí dụ, thiếu mô hình kỹ sư cơ khí + dữ liệu + tự động hóa, nên khó tạo ra các giải pháp công nghệ 4.0 hoàn chỉnh.
Thứ tư, cơ chế nhân sự, đánh giá nhà khoa học vẫn còn nặng về bài báo, nhẹ về ứng dụng. Một số giảng viên có kết quả nghiên cứu ứng dụng tốt nhưng không được đánh giá cao vì thiếu bài báo ISI. Không có lộ trình nghề nghiệp rõ ràng cho giảng viên doanh nghiệp, nhà đổi mới, mới chỉ có chuẩn nghề nghiệp về giảng viên nghiên cứu.
Thứ năm, thiếu cơ chế phối hợp cấp nhà nước trong các nhiệm vụ lớn. ĐHBK có năng lực làm đầu mối dự án công nghệ chiến lược quốc gia, nhưng chưa được giao các nhiệm vụ lớn, liên ngành mang tầm quốc gia đặc biệt, với ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.
Để giải quyết những tồn tại kéo dài này thì đầu tiên là thể chế. Thể chế cơ bản đã được giải quyết trong Luật KHCN và ĐMST vừa ban hành. Các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sẽ nhanh chóng được ban hành trong quý 3 này. Phần còn lại là các quy chế nội bộ của ĐHBK.

Toàn cảnh buổi làm việc
Một số định hướng đột phá khuyến nghị cho ĐHBK
Thứ nhất, xây dựng Trung tâm Công nghệ nền (Deep-tech Core Lab). Mục tiêu là trở thành đầu não quốc gia về công nghệ lõi: MEMS, AI công nghiệp, vật liệu mới, cảm biến, pin hydrogen, tự động hóa, ... Là nơi ươm tạo công nghệ, mở cửa cho doanh nghiệp, startup và tỉnh/thành cùng sử dụng. Chuyển dịch ĐHBK từ giảng dạy, nghiên cứu sang sáng tạo công nghệ lõi. Thu hút các dự án cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, viện trợ quốc tế, doanh nghiệp lớn. Thu hút các nhà khoa học toàn cầu về giải các bài toán lớn, có tính đột phá chiến lược của Việt Nam.
Thứ hai, thí điểm mô hình giảng viên - doanh nhân công nghệ. Cho phép giảng viên vừa nghiên cứu - giảng dạy vừa vận hành công ty spin-off. Gắn kết đánh giá học thuật với giá trị ĐMST. Nhằm tạo ra đội ngũ nhà khoa học doanh nhân, là trụ cột cho hệ sinh thái ĐMST nội sinh. Chuyển đổi từ văn hoá "điểm số" sang văn hoá tạo ra giá trị thực.
Thứ ba, thiết lập quỹ đầu tư công nghệ nội bộ (Innovation Fund). Mục tiêu là góp vốn vào startup bằng IP của trường, huy động thêm vốn của tư nhân và của Nhà nước vào đầu tư mạo hiểm cho các công nghệ gốc của trường. Nhằm tạo dòng vốn quay vòng từ nghiên cứu à startup à lợi nhuận à đầu tư lại, tạo nên tính tự chủ, không lệ thuộc ngân sách nhà nước.
Thứ tư, ĐHBK trở thành tổng thầu trí tuệ (Intellectual Prime Contractor). Mục tiêu là làm tổng thầu các dự án công nghệ tích hợp cấp quốc gia (như chuyển đổi số công nghiệp, đô thị thông minh, năng lượng, giám sát môi trường...). ĐHBK không chỉ nghiên cứu mà triển khai toàn trình các giải pháp cho xã hội, tạo doanh thu lớn, nâng vị thế quốc gia.
Thứ năm, thí điểm mô hình hệ sinh thái ĐMST theo ngành. Mục tiêu là đổi mới theo các ngành: Năng lượng, AI, vật liệu số, giao thông, y sinh... Mỗi ngành có lab, doanh nghiệp liên minh, startup, sandbox chính sách, nhằm tập trung nguồn lực, tăng tỷ lệ thương mại hóa, hình thành các vùng đổi mới sâu ngay trong lòng đại học. Hệ sinh thái theo ngành bao giờ cũng sát thực tế hơn, sâu hơn và dễ làm hơn.
ĐHBK không chỉ cần làm tốt đào tạo và nghiên cứu, mà phải có bước nhảy vọt, trở thành trung tâm KHCN và ĐMST của quốc gia, nơi hội tụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, địa phương và nhà nước. 5 hướng đột phá trên sẽ đưa ĐHBK từ đại học nghiên cứu thành đại học chủ lực về ĐMST quốc gia, góp phần đưa Việt Nam vào chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu.
Ba giải pháp có thể giúp ĐHBK trở thành đại học ĐMST hàng đầu khu vực và thế giới, vượt qua mô hình truyền thống của phương Tây.
Thứ nhất, xây dựng mô hình Tổ hợp đại học công nghệ quốc gia (National Tech-University Complex). Tái định vị ĐHBK thành một tổ hợp quốc gia về đào tạo - công nghệ - sáng tạo - thí nghiệm chính sách, bao gồm: Đại học kỹ thuật chủ lực, các viện nghiên cứu công nghệ ứng dụng (Applied Research Institutes), quỹ đầu tư công nghệ (Innovation Fund), vùng thử nghiệm công nghệ (Tech-Sandbox Zone), các liên minh công nghiệp (Industry Clusters). Điểm khác biệt ở đây là ĐHBK không chỉ là một trường đại học, mà là một hệ sinh thái công nghệ. Trường vừa đào tạo, vừa sản xuất công nghệ, vừa thử nghiệm chính sách công nghệ. Định hướng này là khả thi vì ĐHBK đã có những cái cốt lõi, một đại học mạnh, có viện nghiên cứu, các doanh nghiệp đối tác uy tín. Chỉ cần thêm khung pháp lý sandbox để vận hành linh hoạt.
Thứ hai, cơ chế Đại học bảo hộ sáng chế (IP Guardian University). ĐHBK đi đầu cả nước với cơ chế: Giảng viên, sinh viên, kỹ sư ở bất cứ đâu, nếu có sáng chế kỹ thuật công nghệ, đều có thể nhờ trường đăng ký, bảo hộ, định giá và thương mại hóa. Trường trở thành người giám hộ tài sản trí tuệ cho cộng đồng kỹ sư Việt Nam, có thu phí dịch vụ, thu phần trăm khi thương mại hóa thành công. Tức là trường không chỉ quản lý IP nội bộ, mà còn mở rộng dịch vụ IP ra ngoài xã hội, giống như mô hình Technology Licensing Office - TLO (Đại học Standford của Hoa Kỳ) hoặc Yissum (Hebrew University của Israel). ĐHBK có thể làm được nếu thành lập một văn phòng TLO mạnh, có năng lực định giá, đàm phán IP, hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ, vì ĐHBK đã có nhân lực công nghệ mạnh. Nếu ĐHBK nhận làm thì Bộ KH&CN, cụ thể là Cục SHTT sẽ đồng hành hỗ trợ.
Thứ ba, spin-off được bảo lãnh công nghệ bởi nhà trường (Tech-backed Spin-off Guarantee). ĐHBK lựa chọn các nhóm nghiên cứu, startup sinh viên có tiềm năng, đứng ra bảo lãnh về công nghệ để gọi vốn, tham gia đề án quốc gia, thương thảo với doanh nghiệp. Trường sẽ cấp một loại giấy bảo lãnh công nghệ học thuật xác nhận công nghệ này có nguồn gốc từ ĐHBK, đã được đánh giá học thuật và thử nghiệm, đủ tiêu chuẩn ứng dụng. Khác với bảo lãnh tài chính, đây là bảo lãnh học thuật và công nghệ. Việc này tăng uy tín cho startup, giảm rủi ro cho nhà đầu tư. Điều này là vô cùng quan trọng để thúc đẩy 2 bên tiến tới hợp tác với nhau.
Về mục tiêu tạo ra các Unicorn
Các Unicorn theo định nghĩa quốc tế là các startup có giá trị 1 tỷ USD. Việt Nam chúng ta có thêm Mini Unicorn có giá trị 100 triệu USD. Nếu đến 2045, ĐHBK không tạo ra được 3-5 Unicorn và hàng chục Mini Unicorn thì ĐHBK không thể gọi là một đại học nghiên cứu lớn của quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu
Cần nghiên cứu kỹ 10 điểm mới của Luật KH,CN và ĐMST
Khoa học và công nghệ là nền của một quốc gia. KH&CN mà hưng thịnh thì quốc gia mới hưng thịnh. KH&CN mà mạnh thì quốc gia mới mạnh. Một quốc gia muốn trở thành cường quốc thì phải là cường quốc KH&CN. Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển thì phải là một quốc gia có KH&CN phát triển. Việt Nam sẽ nâng mức chi KH,CN/ĐMST từ 2% lên 3% ngân sách nhà nước.
Khoa học và công nghệ hướng tới đổi mới sáng tạo. KH,CN&ĐMST được xác định là động lực then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong đó, KH&CN chủ yếu là hoạt động của đội ngũ chuyên môn, các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập trung vào nghiên cứu, phát triển tri thức và công nghệ mới, ĐMST là của toàn dân, của mọi tổ chức, là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý dựa trên đổi mới công nghệ, sáng tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao hiệu suất nhằm nâng cao giá trị gia tăng hiệu quả kinh tế, xã hội và chất lượng cuộc sống. Lần đầu tiên, ĐMST được đưa vào Luật và được đặt ngang hàng với KH&CN, thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển. Luật đã bổ sung nhiều cơ chế hỗ trợ hoạt động ĐMST, đặc biệt trong doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức trung gian như doanh nghiệp môi giới công nghệ, trung tâm hỗ trợ ĐMST, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhấn mạnh ĐMST cũng chính là nhấn mạnh vai trò thúc đẩy ứng dụng của KH&CN trong thực tiễn, góp phần gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội. Nếu KH&CN và ĐMST được kỳ vọng đóng góp 4% vào tăng trưởng GDP thì phần đóng góp từ ĐMST chiếm tới 3%, trong khi KH&CN chiếm 1%, qua đó phản ánh rõ vai trò lan tỏa, thực tiễn và toàn dân của ĐMST trong nền kinh tế hiện đại.
Đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình đầu vào (như hóa đơn, chứng từ chi tiết) sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro. Trọng tâm của quản lý nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả nghiên cứu mang lại và tác động thực tiễn đến phát triển kinh tế - xã hội. Bộ KH&CN có trách nhiệm đo lường hiệu quả tổng thể của các chương trình, nhiệm vụ KH&CN, đồng thời lấy kết quả này làm căn cứ để phân bổ nguồn lực, trong đó các tổ chức KH&CN chỉ được cấp tiếp các đề tài nếu chứng minh được hiệu quả của kết quả nghiên cứu trước đó. Luật cũng tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ, quản lý bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi, nhưng đi kèm là yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong sử dụng nguồn lực. Đặc biệt, tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa; người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập thu được do kết quả nghiên cứu mang lại khi thương mại hóa và được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này. Từ đó, tạo động lực đổi mới, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ dám làm trong nghiên cứu, tiến hành nghiên cứu hướng đến kết quả thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa KH&CN với phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây cũng là lần đầu tiên xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. Ngân sách nghiên cứu và phát triển sẽ được ưu tiên phân bổ khoảng 30-40% để thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược, thay vì dàn trải như trước. Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện, trên cơ sở đánh giá hiệu quả đầu ra và mức độ đóng góp thực chất. Đồng thời, nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược. 20-30% ngân sách KH&CN sẽ được chi hàng năm để hiện đại hoá hạ tầng nghiên cứu.
Khoa học và công nghệ thay vì ở trên Trời, đi từ Trời xuống Đất thì phải có một chiều nữa là đi từ Đất đi lên, từ đổi mới sáng tạo tới phát triển công nghệ rồi tới nghiên cứu khoa học. Thay vì chỉ đi một chiều như trước đây là xuất phát từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để phát triển các sản phẩm mới, thì lần này tập trung vào một chiều mới là lấy thị trường, định hướng sản phẩm làm động lực, làm định hướng cho phát triển công nghệ, xác định các bài toán nghiên cứu liên quan. Từ chiến lược quốc gia à sản phẩm chiến lược à công nghệ chiến lược à khoa học chiến lược.
Chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học, xây dựng đại học trở thành các trung tâm KHCN/ĐMST quốc gia. Đây là định hướng lớn của Nhà nước, việc chuyển dịch nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học là phù hợp với thông lệ quốc tế, tất cả các quốc gia đều coi các cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản do đây là nơi tập trung nhiều nhất nhân lực nghiên cứu cơ bản, nhất là nhân lực trẻ (đội ngũ giáo viên, giáo sư, sinh viên, nghiên cứu sinh). Việc điều chỉnh nhu cầu nghiên cứu cơ bản theo hướng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong nghiên cứu ứng dụng, trong phát triển công nghệ sẽ tạo ra sự gắn kết giữa các loại hình nghiên cứu và tăng tỉ trọng nghiên cứu có tác động vào thực tiễn. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch này không có nghĩa là loại bỏ vai trò của các viện nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Ngược lại, các viện nghiên cứu, nhất là hai Viện Hàn lâm, vẫn có thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản phù hợp với thế mạnh, cơ cấu tổ chức và định hướng phát triển của mình. Đồng thời, Luật không giới hạn quyền phát triển công nghệ của các trường đại học, nhằm thúc đẩy mô hình tích hợp ba chức năng: Đào tạo - Nghiên cứu - ĐMST. Đây là mô hình phổ biến ở các quốc gia có nền KH&CN tiên tiến, góp phần xây dựng hệ sinh thái học thuật và ĐMST bền vững, năng động và có sức lan tỏa sâu rộng.
Chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp. Lần đầu tiên trong Luật, có một chương riêng được dành để quy định về các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ĐMST trong doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các chính sách "mồi" tài chính, theo nguyên tắc "Nhà nước chi 1 đồng để thu hút 3–4 đồng từ doanh nghiệp". Nếu trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chưa được 10% thì thời gian tới sẽ là 70-80%. Bên cạnh đó, Luật cho phép doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp như chi phí sản xuất kinh doanh, không còn giới hạn mức tối đa (trước đây là khoảng 1% doanh thu và chỉ áp dụng với doanh nghiệp có lãi). Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi vượt trội là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược (tức là nếu doanh nghiệp chi 10 đồng cho nghiên cứu, phát triển thì Nhà nước hỗ trợ 3-4 đồng thông qua thuế). Thêm vào đó, doanh nghiệp có lãi được trích tối đa 5% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá. Ngoài ra, nhà nước cũng có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm KHCN của doanh nghiệp trong nước.
Cân bằng nghiên cứu khoa học tự nhiên và nghiên cứu khoa học xã hội. Các nghiên cứu xã hội đóng góp cho sự phát triển quốc gia không kém gì các nghiên cứu khoa học tự nhiên. Kết hợp liên ngành KH tự nhiên và KH xã hội để đảm bảo các công nghệ phát triển gắn với bảo vệ các giá trị đạo đức cốt lõi của nhân loại. Phân biệt cách tiếp cận giữa nghiên cứu khoa học (ít định hướng ứng dụng, cần không gian tự do sáng tạo) và phát triển công nghệ (gắn với kết quả đầu ra, ứng dụng thực tiễn) để có các cơ chế, chính sách phù hợp cho 2 loại hình này. Tuỳ theo giai đoạn, chính sách sẽ có sự ưu tiên khác nhau. Hiện nay, tập trung nhiều hơn cho phát triển công nghệ để tạo tác động nhanh vào nền kinh tế, trong khi vẫn duy trì nền tảng nghiên cứu cơ bản tại các có sở giáo dục đại học, làm cơ ở cho đổi mới dài hạn.
Phát triển KH,CN&ĐMST trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh và cân bằng, bao gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực và các chủ thể như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà nước, nhà nghiên cứu, các định chế tài chính, tổ chức trung gian môi giới công nghệ, trung tâm ĐMST, các quỹ nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và đầu tư mạo hiểm. Trong hệ sinh thái này, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thông qua việc đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hỗ trợ thông tin, tiêu chuẩn, sở hữu trí tuệ, ban hành cơ chế tài chính ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST, đồng thời thu hút và đãi ngộ nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước. Sự phối hợp giữa các chủ thể được thúc đẩy qua các chính sách như: Đặt hàng nhiệm vụ có tính liên kết viện - trường - doanh nghiệp, cơ chế đồng tài trợ từ quỹ nhà nước và tư nhân, công nhận các trung tâm ĐMST làm đầu mối kết nối và chính sách chia sẻ lợi ích từ kết quả nghiên cứu. Từ đó, tạo nền tảng cho mối liên kết bền chặt, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả của toàn hệ sinh thái KHCN/ĐMST quốc gia.
Chuyển đổi số toàn diện hoạt động KH&CN và quản lý KH&CN. Các tổ chức nghiên cứu, phát triển sẽ sử dụng nền tảng số quốc gia để quản lý đề tài, nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vòng đời nhiệm vụ, kể cả khi kéo dài 10-15 năm. Chuyển từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính và thay thế bằng quản lý số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành, tính minh bạch và khả năng giám sát dài hạn.
ĐHBK nên rà soát lại toàn bộ quy chế nội bộ theo tinh thần Luật KHCN&ĐMST vừa được Quốc hội thông qua. Ban hành các hướng dẫn cụ thể để giảng viên được làm startup, được góp vốn bằng SHTT, được đánh giá theo ĐMST.
Thiết lập hệ thống chỉ tiêu đánh giá mới: Mỗi năm, nhà trường báo cáo số công nghệ chuyển giao, số sản phẩm ra thị trường, tổng doanh thu tạo ra cho doanh nghiệp từ nghiên cứu trong trường.
Bộ sẽ thí điểm giao các nhiệm vụ công nghệ trọng điểm cho ĐHBK, theo mô hình tổng thầu tích hợp công nghệ. ĐHBK nên chủ động đề xuất các chương trình cụ thể trong quý III/2025.
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mà công nghệ quyết định năng lực cạnh tranh của quốc gia. Năng lực công nghệ không thể đi vay mượn. Nó phải được kiến tạo từ bên trong, và đại học là nơi khởi nguồn.
Tôi mong các thầy cô nhìn thấy sứ mệnh mới của ĐHBK Hà Nội. Không phải chỉ là trường học – mà là tổ hợp công nghệ quốc gia. Không phải chỉ là nơi dạy kỹ sư – mà là nơi sản xuất công nghệ. Không chỉ là nơi nghiên cứu – mà là nơi đổi mới sáng tạo ra giá trị thực./.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ